Soạn văn Lá cờ thêu sáu chữ vàng lớp 8 ngắn nhất PDF

Soạn văn Lá cờ thêu sáu chữ vàng lớp 8 SGK Cánh Diều

Dưới đây là bài soạn văn Lá cờ thêu sáu chữ vàng lớp 8 ngắn nhất nhưng vẫn đầy đủ ý. Bài soạn sẽ giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm này cũng như nhắc nhở bản thân về sự tự hào và trách nhiệm đối với quê hương.

Mời các em tham khảo!

I. Khái quát chung về tác giả Nguyễn Huy Tưởng và tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng

1. Tác giả Nguyễn Huy Tưởng

– Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) quê ở Hà Nội.

– Ông sáng tác ở nhiều thể loại, có thiên hướng khai thác đề tài lịch sử, có nhiều đóng góp nổi bật ở hai lĩnh vực tiểu thuyết và kịch. Tác phẩm tiêu biểu: “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Sống mãi với thủ đô”, “Vũ Như Tổ”, “Bắc Sơn”,..

– Nhà nghiên cứu văn học Nguyên An nhận xét: “Nguyễn Huy Tưởng đã gánh việc mở đầu một cách đích đáng cho dòng văn chương viết về truyền thống, về lịch sử trung đại Việt Nam trong nền văn chương hiện đại Việt Nam”.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - Tác giả của tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – Tác giả của tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng

2. Văn bản Lá cờ thêu sáu chữ vàng

– Văn bản trong sách giáo khoa thuộc phần ba của tiểu thuyết “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”. Tác phẩm được viết năm 1960, khi nhà văn đang phải chống chọi với bệnh tật. Trong nhật ký của mình, Nguyễn Huy Tưởng tiết lộ, tháng 2 năm 1960 ông viết xong bản thảo lần thứ nhất nhưng cảm thấy chưa hài lòng nên viết lại, đến tháng 3 năm 1960 thì hoàn thành. Hai tháng sau, ông phải nhập viện và không kịp chứng kiến đứa con tinh thần của mình chào đời.

– Đoạn trích kể về việc vua Thiệu Bảo và các vương hầu nhà Trần họp ở bến Bình Than để bàn việc nên đánh hay nên cho giặc Nguyên mượn đường. Vì mới 16 tuổi nên Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản không được tham dự cuộc họp. Chàng đứng trên bờ từ sáng đến trưa, thấy vô cùng sốt ruột nên liều chết xuống thuyền ngự để bày tỏ tâm ý nhưng bị quân Thánh Dực ngăn lại. Chàng rút gươm múa tít làm loạn cả một vùng. Khi nghe chú của mình là Chiêu Thành Vương nói có người chủ hòa, Hoài Văn Hầu liều mạng chạy xuống thuyền ngự xin vua cho đánh, sau đó, tự đặt thanh gươm lên gáy để chịu tội. Vua Thiệu Bảo khen tâm, chí của Hoài Văn Hầu đáng trọng nên đã thưởng cho một quả cam quý và bảo chàng lên bờ. Được thưởng nhưng vẫn không được dự họp bàn, Hoài Văn Hầu hổ thẹn, tức giận, bóp nát quả cam trên tay lúc nào không hay biết.

Hình ảnh minh họa cho tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Hình ảnh minh họa cho tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng

>>> Tải bài soạn văn Lá cờ thêu sáu chữ vàng PDF miễn phí tại đây!

II. Đọc hiểu văn bản Lá cờ thêu sáu chữ vàng

1. Đặc điểm thể loại truyện lịch sử trong văn bản

– Cốt truyện, bối cảnh lịch sử:

  • “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” viết về sự kiện lịch sử có thật là cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai của vua tôi nhà Trần. Đoạn trích đề cập đến sự kiện tháng 10/1282, vua Trần mở hội nghị Bình Than để bàn kế chống quân Nguyên.
  • Bối cảnh lịch sử ấy được Nguyễn Huy Tưởng tái hiện sinh động với quang cảnh bến Bình Than vô cùng đông đúc nhưng cũng rất trang nghiêm: “Dưới bến, những thuyền lớn của các vương hầu về hội sư, đậu dài san sát, sơn đủ các màu.; “những lá cờ bay múa trên những đoàn thuyền đẹp như gấm như hoa”.

– Nhân vật:

  • Nhân vật trong “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” đều là những nhân vật lịch sử có thật như vua Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Thành Vương, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc,…
  • Nhân vật chính Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản là một tôn thất nhà Trần, sống ở thời vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, đã tham gia kháng chiến chống Nguyên – Mông và lập được nhiều chiến công. Trong tác phẩm, Hoài Văn Hầu được miêu tả là một chàng trai yêu nước, nhiệt huyết, có trách nhiệm với vận mệnh đất nước.

– Ngôn ngữ kể chuyện

Ngôn ngữ kể chuyện mang đậm sắc thái cổ, sử dụng nhiều từ cổ, nhiều từ Hán Việt nhằm tái hiện không gian văn hóa thời nhà Trần.

– Chi tiết tiêu biểu:

  • Chi tiết “Trần Quốc Toản chạy xồng xộc xuống bến, quỳ xuống tàu vua, tiếng nói như thét: Xin quan gia cho đánh! Cho giặc mượn đường là mất nước cho thấy ý thức trách nhiệm và sự quả cảm của Hoài Văn Hầu. Chàng chấp nhận bị trừng phạt để nói lên suy nghĩ và quan điểm của mình.
  • Chi tiết Trần Quốc Toản bóp nát quả cam trong vô thức “Trần Quốc Toản xòe bàn tay phải ra. Quả cam đã nát bét, chỉ còn trợ bã. cho thấy quyết tâm đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc mãnh liệt của chàng.

2. Đọc hiểu nội dung văn bản

2.1. Nhân vật Trần Quốc Toản

a. Khi không được vào dự sự kiện đặc biệt ở bến Bình Than

– Hoài Văn Hầu căm thù giặc đến mức trong mơ cũng thấy mình bắt được tướng giặc. Chàng mong mình có “mình đồng da sắt” để xông pha vào giữa muốn trùng giáo mác, chém tướng giặc dễ như trở bàn tay.

– Chàng nhìn thấu dã tâm của giặc, hiểu rằng mượn đường chỉ là cái cớ để giặc Nguyên xâm chiếm nước ta. Chính vì vậy, chàng ước, giá được vào họp bàn việc nước.

– Chàng đợi từ sớm đến trưa, đăm đăm” nhìn thuyền của các vương hầu, mắt“giương to đến rách, nhìn những lá cờ bay múa…. Đứng trên bờ, chàng muốn thét lớn: “Xin quan gia cho đánh”, nhưng lại e phạm thượng.

→ Lời kể của tác giả kết hợp với việc dẫn trực tiếp những suy nghĩ của Hoài Văn Hầu đã diễn tả chân thực cảm giác sốt ruột, hồi hộp, lo lắng của chàng khi đứng trên bờ quan sát cuộc họp bàn của vua và các vương hầu nhà Trần. Qua đó, ta thấy được tấm lòng yêu nước của chàng thiếu niên trẻ tuổi.

b. Khi bị quân Thánh Dực ngăn cản, không cho vào gặp vua

– Quá mệt mỏi vì chờ đợi từ sáng tới trưa, Hoài Văn Hẩu quyết định liều chết xuống thuyền ngự của vua nói hai tiếng xin đánh. Chàng hoàn toàn ý thức được việc làm của mình là tội chết và chàng chấp nhận chịu phạt chỉ để bày tỏ tâm ý của mình. Đó không phải là hành động bộc phát, xốc nổi mà đã được thôi thúc, nung nấu từ lâu.

– Khi bị quân sĩ Thánh Dực cản lại, Hoài Văn Hầu rút gươm dọa chém, quyết xuống thuyền bằng được. Hành động cho thấy sự nóng lòng và quyết tâm đánh giặc sắt đá của chàng.

→ Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản là một người rất quyết đoán. Dù phải hi sinh cả mạng sống, chàng cũng sẵn sàng chấp nhận để được bày tỏ tâm ý của mình.

c. Khi nghe tin có người chủ hòa

– Lời nói của Hoài Văn Hầu thể hiện ý thức trách nhiệm của chàng với đất nước: “… khi quốc biến thì đến đứa trẻ cũng phải lo, huống hồ cháu đã lớn… Vua lo thì thần tử cũng phải lo”.

– Khi nghe tin có người chủ hòa, chàng vô cùng bức xúc, “đứng phắt dậy, mắt long lên: Ai chủ hòa? Ai chủ hòa? Cho nó mượn đường ư? Không biết đây là kế giả đồ diệt Quắc của nó sao? Dâng giang sơn gấm vóc này cho giặc hay sao mà lại bàn thế?”. Qua lời nói, ta thấy được tầm nhìn xa và sự sáng suốt của chàng thiếu niên khi suy xét ý đồ của giặc.

Cũng vì thế, chàng càng quyết tâm thể hiện quan điểm của mình dù phải chết. Chàng “chạy xồng xộc xuống bến, quỳ xuống tàu vua, tiếng nói như thét:

Xin quan gia cho đánh! Cho giặc mượn đường là mất nước”. Nói xong, chàng tự đặt thanh gươm lên gáy và xin chịu tội.

→ Hoài Văn Hầu tuy trẻ tuổi nhưng có lòng yêu nước sâu sắc, có tinh thần trách nhiệm cao độ với vận mệnh đất nước cũng như với lời nói, hành động của mình.

d. Khi được vua tặng quả cam

– Dù “làm loạn phép nước” nhưng Hoài Văn Hầu không bị vua Thiệu Bảo trị tội mà còn được tặng quả cam và cho lên bờ. Khi lên bờ, nghe tiếng cười của các vương hầu chỉ hơn mình một vài tuổi, Hoài Văn Hậu cảm thấy “tức, vừa hờn vừa tủi”.

– Chàng “quắc mắt, nắm chặt bàn tay lại”, quyết tâm trở về chiêu binh mãi mã, cầm quân đi đánh giặc. “Hai bàn tay càng nắm chặt lại như để nghiền nát một cái gì. Hai bàn tay rung lên vì giận dữ”. Cho đến khi chàng xòe bàn tay ra thì “quả cam đã nát bét, chỉ còn trơ bã”.

→ Chính cơn tức giận đã cho thấy tấm lòng yêu nước của Hoài Văn Hầu. Chàng tuy trẻ tuổi nhưng đã có tầm nhìn xa, luôn ý thức được trách nhiệm của mình với đất nước, sẵn sàng xả thân để bảo vệ đất nước trước âm mưu xâm lược của quân Nguyên – Mông.

e. Nhận xét

Nhân vật Trần Quốc Toản được khắc họa thông qua những cảm xúc, suy nghĩ, hành động và lời nói. Nổi bật ở chàng là những phẩm chất sau:

– Khảng khái, dũng cảm, quyết đoán, dám nói lên suy nghĩ và bảo vệ quan điểm của mình, dám làm, dám chịu.

– Thông minh, có tầm nhìn xa, nhìn thấu dã tâm xâm lược của giặc.

– Yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ đất nước.

2.2. Tinh thần chiến đấu của vua tôi nhà Trần

– Hình ảnh những chiếc thuyền của các vương hầu đậu san sát tham dự hội nghị ở bến Bình Than cho thấy không khí khẩn trương, sôi sục của quân thần nhà Trần khi vận nước lâm nguy.

– Trước đó, Hội nghị ở điện Diên Hồng, các bộ lão khắp nơi về dự hội nghị đều trên dưới một lòng quyết tâm đánh giặc: “…thế mà nghe quan gia hỏi, họ đều nắm tay, gần mặt, khảng khái tàu lên: “Xin đánh”, trăm miệng một lời, làm rung chuyển cả tòa điện Diên Hồng”.

– Tinh thần chiến đấu của nhà Trần còn thể hiện ở thái độ của vua Thiệu Bảo và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trước lời tâu trình khảng khái của Hoài Văn Hầu. Hai người tỏ ra hài lòng vì ý chí quyết tâm đánh giặc của chàng trai trẻ.

– Tinh thần ấy được thể hiện rõ nhất qua quyết tâm của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản – một chàng trai mới mười sáu tuổi nhưng đã sẵn sàng cầm quân chiến đấu, quyết phá tan âm mưu cướp nước của kẻ thù.

=> Qua cách miêu tả không gian, không khí hội nghị, thái độ, hành động của các nhân vật, tác giả đã cho ta thấy vua tôi nhà Trần – trên dưới đều đồng lòng quyết tâm đánh giặc.

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

– Đoạn trích đã thành công trong việc xây dựng nhân vật chính Trần Quốc Toản với những nét tính cách nổi bật, đáng trân trọng.

– Việc đan xen lời kể và những suy nghĩ của nhân vật giúp độc giả dễ dàng hiểu được tính cách và phẩm chất tốt đẹp của Trần Quốc Toản.

– Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận xét: “Ông viết kỹ từng câu, chọn từng từ, nương nhẹ như với những cánh hoa. Đồng thời từ tốn và trang nghiêm, ông dẫn dắt các cháu đến với những khái niệm cơ bản về lịch sử, đất nước, dân tộc, con người”.

2. Nội dung

– Truyện thể hiện tinh thần quyết tâm chống giặc, bảo vệ Tổ quốc của vua tôi nhà Trần.

– Hình ảnh Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản gợi nhớ về truyền thuyết Thánh Gióng – khi giặc đến nhà thì đứa trẻ lên ba cũng sẵn sàng đánh giặc; đồng thời khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với vận mệnh đất nước.

Hy vọng rằng bài soạn văn Lá cờ thêu sáu chữ vàng lớp 8 ngắn nhất PDF ở trên sẽ giúp các em thêm trân trọng giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc, từ đó nuôi dưỡng thêm tình yêu và trách nhiệm với quê hương đất nước cũng như đạt điểm số cao hơn trong môn Ngữ Văn ở trên lớp.

Kiến thức về Soạn văn lớp 8 được triển khai cực chi tiết và dễ hiểu trong cuốn Làm chủ kiến thức Ngữ Văn bằng sơ đồ tư duy lớp 8 Tập 1 Tập 2. Các em có thể mua sách về để tham khảo thêm nội dung này và các bài soạn văn khác nhé!

Link đọc thử và mua sách với giá ưu đãi: https://lamchu.tkbooks.vn/lop8.ver1

Tkbooks tự hào là nhà xuất bản sách tham khảo lớp 8 hàng đầu tại Việt Nam.

Tkbooks.vn

Share

Một suy nghĩ về “Soạn văn Lá cờ thêu sáu chữ vàng lớp 8 ngắn nhất PDF

  1. Pingback: Soạn văn Quang Trung Đại Phá Quân Thanh lớp 8 ngắn nhất

  2. Pingback: Soạn văn Tôi đi học lớp 8: Tác giả, tác phẩm ngắn nhất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *