Soạn văn Quang Trung Đại Phá Quân Thanh lớp 8 ngắn nhất

Soạn văn Quang Trung Đại Phá Quân Thanh lớp 8 ngắn nhất

Bài soạn văn Quang Trung Đại Phá Quân Thanh lớp 8 ngắn nhất dưới đây sẽ giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm và tài trí lãnh đạo của Vua Quang Trung trong cuộc chiến chống quân xâm lược.

Mời các em tham khảo!

>>> Xem thêm: Soạn văn Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng ngắn nhất

I. Khái quát về tác giả Ngô Gia Văn Phái và tác phẩm Quang Trung Đại Phá Quân Thanh

1. Tác giả Ngô Gia Văn Phái

Ngô Gia Văn Phái là nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, Hà Nội ngày nay. Đây là dòng họ có truyền thống văn chương với những tên tuổi tiêu biểu như: Ngô Thì Ức (1709 – 1736), Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780); Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803), Ngô Thì Chí (1753 – 1788), Ngô Thì Du (1772 – 1840),…

Cụ Ngô Thì Chí là một trong những tác giả chính trong Ngô Gia Văn Phái
Cụ Ngô Thì Chí là một trong những tác giả chính trong Ngô Gia Văn Phái

2. Văn bản Quang Trung Đại Phá Quân Thanh

+ Giới thiệu tác phẩm Quang Trung Đại Phá Quân Thanh

– “Hoàng Lê nhất thống chỉ là cuốn tiểu thuyết lịch sử gồm 17 hồi, viết bằng chữ Hán, phản ánh bức tranh rộng lớn của xã hội Việt Nam từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX với nhiều câu chuyện và nhân vật lịch sử có thật. Tác phẩm phơi bày thực trạng thối nát dẫn tới sụp đổ tất yếu của tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh, đồng thời ca ngợi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ lãnh đạo.

– Văn bản “Quang Trung đại phá quân Thanh” thuộc hồi thứ XIV của tác phẩm, kể về cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của nghĩa quân Tây Sơn, đồng thời phản ánh sự thất bại thảm hại của vua tôi nhà Lê sau khi quân Thanh thua trận.

Văn bản “Quang Trung đại phá quân Thanh” thuộc hồi thứ XIV của tác phẩm "Hoàng Lê Nhất Thống Chí"
Văn bản “Quang Trung đại phá quân Thanh” thuộc hồi thứ XIV của tác phẩm “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”

+ Tóm tắt văn bản Quang Trung Đại Phá Quân Thanh

– Khi nghe tin quân Thanh kéo vào Thăng Long, Nguyễn Huệ đang ở Phú Xuân đã lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung và chuẩn bị kéo quân ra Bắc. Đến Nghệ An, vua tuyển thêm binh lính, mở một cuộc duyệt binh lớn và ra lời phủ dụ nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, chống giặc.

– Ngày 30 Tết, đại quân đến Tam Điệp, vua cho quân sĩ ăn Tết trước để tiến vào Thăng Long. Đêm mùng 3 tháng Giêng, chiến thắng Hà Hồi. Ngày mùng 5, ta đánh thắng trận Ngọc Hồi, quân Thanh đại bại. Trưa cùng ngày, Quang Trung tiến binh vào thành Thăng Long; Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy, quân Thanh chết như ngả rạ; vua tôi nhà Lê cũng nháo nhào bỏ chạy theo giặc về phương Bắc.

II. Đọc hiểu văn bản Quang Trung Đại Phá Quân Thanh

1. Đặc điểm của truyện lịch sử trong văn bản Quang Trung Đại Phá Quân Thanh

– Bối cảnh lịch sử:

+ Tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chỉ lấy bối cảnh là cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược của nghĩa quân Tây Sơn năm 1789.

+ Đoạn trích “Quang Trung đại phá quân Thanh” tái hiện lại quá trình người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, cầm quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh và bè lũ tay sai bán nước ở Thăng Long.

– Nhân vật:

+ Truyện có nhiều nhân vật có thật trong lịch sử: vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, Ngô Văn Sở, Nguyễn Văn Tuyết, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp, vua Lê Chiêu Thống, Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống,

+ Nhân vật chính là vua Quang Trung – nhân vật lịch sử có thật và có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII. Nhân vật được xây dựng thông qua lời nói, hành động, cách ứng xử với các nhân vật khác.

– Ngôn ngữ:

+ Ngôn ngữ được sử dụng trong tác phẩm mang đậm sắc thái cổ.

+ Cách xưng hô, việc sử dụng các câu văn biển ngẫu góp phần tái hiện không gian của thời kỳ lịch sử mà tác phẩm phản ánh.

– Chi tiết tiêu biểu:

+ Chi tiết vua Quang Trung ban lời phủ dụ binh sĩ trong cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An cho thấy trí tuệ sáng suốt, nhạy bén của ông.

+ Chi tiết “… vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc, mở sáng ngày mồng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi” làm nổi bật hình ảnh một vị vua – một vị tướng tài năng, dũng mãnh khi xông pha chiến trận, trực tiếp đốc thúc binh sĩ giành những chiến thắng quan trọng, đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi.

2. Đọc hiểu nội dung văn bản Quang Trung Đại Phá Quân Thanh

2.1. Hình tượng người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ

– Quang Trung là một vị vua có nhiều phẩm chất cao đẹp.

  • Quyết đoán, hành động nhanh gọn, có chủ đích

– Ngày 24/11/1788, khi nghe tin cấp báo, Nguyễn Huệ khi đó ở Phú Xuân giận lắm, liền họp tướng sĩ định thân chinh cầm quân đi ngay.

– Nghe lời khuyên của những người đến họp, ngày 25 tháng chạp, ông làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, tự mình đốc xuất đại binh cùng ra đi.

Ngày 29 tháng chạp, nghe lời khuyên của Nguyễn Thiếp, ông tuyển mộ binh lính ở Nghệ An, tổ chức buổi duyệt binh lớn và ra lời phủ dụ.

– Vua Quang Trung họp bàn với các tướng sĩ lên kế hoạch đối phó với quân Thanh sau chiến thắng.

→ Chỉ trong vòng một tháng, Nguyễn Huệ đã làm được rất nhiều việc lớn. Điều đó cho thấy, Nguyễn Huệ là người quyết đoán, có hành động mạnh mẽ, nhanh gọn, có chủ đích.

  • Trí tuệ mẫn tiệp, sáng suốt, nhạy bén

– Lời phủ dụ đã thể hiện trí tuệ sáng suốt, nhạy bén của vua Quang Trung

+ Khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt.

+ Nếu bật dã tâm của giặc Thanh muốn biến nước ta thành quận huyện của chúng.

+ Tự hào về truyền thống đánh giặc của cha ông.

+ Tin tưởng vào chính nghĩa và kêu gọi quân sĩ đánh giặc.

+ Ra kỷ luật nghiêm khắc với quân sĩ.

→ Lời phủ dụ với lời lẽ ôn tồn, nghiêm trang đã khích lệ được tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm đánh giặc của binh sĩ.

– Việc xét đoán và dùng người cũng cho thấy trí tuệ sáng suốt, sự độ lượng và công minh của ông.

+ Đối với các tướng Sở, Lân, Nhậm, ông phân tích năng lực của từng người, phân tích đúng sai, khen chê đúng mức.

+ Ông cũng biết lắng nghe lời khuyên, ý kiến của thuộc cấp để đưa ra những quyết định đúng đắn và hợp lý nhất.

→ Nhờ đó, Nguyễn Huệ được tướng sĩ kính trọng và giúp ông đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời.

  • Có tầm nhìn xa, trồng rộng

– Ông có niềm tin sắt đá vào chiến thắng: “Chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được người Thanh”.

– Ông cũng vạch sẵn kế hoạch ngoại giao với nhà Thanh sau chiến thắng. Đây là một trong những điểm cho thấy tài ngoại giao và con mắt nhìn xa, trông rộng của ông.

+ Vua Quang Trung luôn chủ động, đoán định chính xác tương lai và để ra các bước đi hợp lý.

  • Có tài dụng binh như thần

– Ông đã tổ chức cuộc hành quân thần tốc: vượt khoảng 350 km đường đèo, núi từ Huế tới Nghệ An chỉ từ 25 đến 29 tháng Chạp.

– Đêm 30 tháng Chạp, ông cầm quân tiến thẳng vào thành Thăng Long, vừa hành quân vừa đánh giặc và giữ bí mật đến bất ngờ.

– Ông đã thay đổi chiến thuật linh hoạt ở các trận Hạ Hồi, Ngọc Hồi để ít hao tổn binh lực.

– Ông nhận định chỉ trong 7 ngày có thể đánh tan quân Thanh nhưng đại quân của ông đã hoàn thành kế hoạch sớm hơn 2 ngày. Ngày 5 tháng giêng, năm 1789, quân Thanh đã bị đánh bại.

=> Chỉ có tài năng quân sự đặc biệt của Quang Trung – Nguyễn Huệ mới có thể tạo nên một cuộc hành quân thần tốc, độc nhất vô nhị và một chiến thắng chóng vánh trước 29 vạn quân Thanh.

  • Oai phong, lẫm liệt trong chiến đấu

– Vua Quang Trung cưỡi voi, đích thân cầm quân ra trận, bắt sống lính do thám của quân Thanh khiến chúng không thể báo tin về cho quân ở Hà Hồi và Ngọc Hồi.

Thọ Xương Giang chi chiến đồ - Bản đồ của nhà Thanh vẽ miêu tả cảnh quânThanh vượt sông Thọ Xương cuối năm 1788
Thọ Xương Giang chi chiến đồ – Bản đồ của nhà Thanh vẽ miêu tả cảnh quân
Thanh vượt sông Thọ Xương cuối năm 1788

– Âm mưu của nhà Thanh khi đưa quân sang nước ta là muốn biến nước ta thành quận, huyện của chúng. Tuy nhiên, khi vào được Thăng Long một cách dễ dàng, quân địch trở nên kiêu căng, tự mãn. Tướng giặc – Tôn Sĩ Nghị là kẻ bất tài, chủ quan khinh địch, không lo chỉnh đốn binh mã mà suốt ngày chỉ ăn chơi nên chúng thất bại là tất yếu.

– Khi quân Tây Sơn đánh đến, “Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên cương, người không kịp mặc áo giáp … nhằm hướng Bắc mà chạy..”

– Tướng Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử.

– Trước khí thế của quân Tây Sơn, quân lính tranh nhau bỏ chạy qua cầu, “lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhĩ Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa”.

→ Nhịp văn nhanh, hối hả giúp độc giả có thể cảm nhận được sự hả hê của tác giả trước sự thất bại thảm hại của bè lũ cướp nước.

  • Cuộc chạy trốn nhục nhã của vua Lê

– Vua Lê Chiêu Thống và bọn thân tín đưa Thái Hậu bỏ chạy ra khỏi thành. – Ra ngoài thành, vua tôi nhà Lê cướp thuyền của một người dân chài để chạy trốn. – Chúng nhìn nhau than thở, oán giận Tôn Sĩ Nghị đến chảy nước mắt.

→ Chân dung những kẻ bán nước thật thảm hại, nhục nhã ê chề. Tuy nhiên, các tác giả cũng bộc lộ chút thương cảm trước tình cảnh của chúng khi miêu tả giọt nước mắt của người thổ hào.

2.2. Sự đối lập giữa quân Tây Sơn và bè lũ bán nước, cướp nước

  • Sự đối lập giữa vua Quang Trung và vua Lê

– Trong khi vua Quang Trung là một vị anh hùng chống ngoại xâm thì vua Lê lại là kẻ cõng rắn cắn gà nhà – một ông vua bán nước.

– Vua Quang Trung là người văn võ toàn tài, mưu lược hơn người còn vua Lê Chiêu Thống là kẻ bất tài, chỉ biết chạy trốn và khóc lóc khi gặp biến cố.

– Vua Quang Trung được miêu tả oai phong lẫm liệt, bước ra từ khói lửa mịt mù của trận chiến như một chiến thần còn Lê Chiêu Thống trở thành một kẻ cướp khi cướp thuyền của dân chài để chạy trốn.

  • Sự đối lập giữa đại quân Tây Sơn và quân Thanh

– Đại quân của vua Quang Trung được tổ chức quy củ, có trật tự, tiến hành

một cuộc hành quân có một không hai trong lịch sử. Trong khi đó, đội quân nhà Thanh là đám kiêu binh, ô hợp, không có kỷ luật, đến Thăng Long chỉ biết hưởng thụ.

– Đội quân Tây Sơn dũng mãnh phi thường, sẵn sàng xả thân để đánh đuổi giặc xâm lặng; chủ tướng là vua Quang Trung – văn võ toàn tài, có tầm nhìn xa, trông rộng. Trong khi đó, quân Thanh toàn những kẻ ươn hèn, từ chủ tướng đến binh sĩ đều chỉ biết bỏ chạy khi phải đối mặt với quân Tây Sơn.

=> Nghệ thuật tương phản đã làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của người anh hùng áo vải Quang Trung; đồng thời, phơi bày bộ mặt ươn hèn của những kẻ bán nước và cướp nước.

III. Tổng kết về văn bản Quang Trung Đại Phá Quân Thanh

1. Nghệ thuật

– Tác giả lựa chọn trình tự kể theo các sự kiện lịch sử có thật giúp người đọc nắm được các diễn biến chính của sự kiện.

– Nhân vật lịch sử Quang Trung – Nguyễn Huệ được khắc họa bằng ngôn ngữ kể chuyện chân thực, sinh động thông qua lời nói và hành động.

– Giọng kể chuyện linh hoạt, vừa tái hiện sự thật lịch sử vừa thể hiện thái độ của tác giả.

2. Nội dung

– Bằng cái nhìn khách quan và niềm tự hào dân tộc, các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã tái hiện hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ với chiến công thần tốc trước quân đội nhà Thanh.

– Qua văn bản, độc giả cũng có thể cảm nhận được không khí hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến chống quân xâm lược cuối thế kỷ XVII.

3. Kiến thức bổ sung:

+ Viết đoạn văn (khoảng 7 đến 9 câu) nêu cảm nhận về một chi tiết trong văn bản Quang Trung Đại Phá Quân Thanh lớp 8

Trong văn bản “Quang Trung Đại Phá Quân Thanh,” chi tiết Vua Quang Trung khích lệ quân sĩ trước trận chiến để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Hình ảnh một vị vua trẻ trung, mạnh mẽ, đứng trước hàng ngàn binh lính, truyền lửa nhiệt huyết và ý chí chiến đấu đã khơi dậy lòng yêu nước và sự quyết tâm của cả quân đội. Lời nói của ông như tiếng chuông vang vọng, khích lệ tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ tổ quốc của mỗi người lính. Chi tiết này không chỉ thể hiện sự thông minh, bản lĩnh của Vua Quang Trung mà còn khẳng định tinh thần đoàn kết, sức mạnh của nhân dân Việt Nam trước bất kỳ kẻ thù nào. Qua đó, tôi cảm nhận rõ hơn về tầm vóc của vị vua vĩ đại, người đã dẫn dắt dân tộc đi từ những khó khăn, thử thách đến chiến thắng oai hùng. Đồng thời, chi tiết này cũng nhắc nhở chúng ta về giá trị của lòng dũng cảm và tình yêu quê hương trong cuộc sống hôm nay.

+ Viết đoạn văn 7 – 9 câu chứng minh Quang Trung là người có tầm nhìn xa trông rộng

Quang Trung là một vị vua có tầm nhìn xa trông rộng, điều này thể hiện rõ qua những quyết định và hành động chiến lược trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh. Trước hết, ông hiểu rõ sức mạnh và điểm yếu của quân đội nhà Thanh, từ đó lập ra kế hoạch tấn công bất ngờ, nhanh chóng khiến quân địch không kịp phản ứng. Ông đã tổ chức cuộc hành quân thần tốc, trong thời gian ngắn từ Phú Xuân (Huế) ra Bắc Hà, làm cho quân Thanh bối rối, không kịp ứng phó. Hơn nữa, Quang Trung còn chú trọng đến việc xây dựng lòng dân và củng cố hậu phương, đảm bảo cho một cuộc chiến dài hạn nếu cần thiết. Ông chủ động kêu gọi sự ủng hộ của dân chúng, huy động nhân tài, vật lực từ khắp nơi, tạo nên một lực lượng đoàn kết và hùng hậu. Sau khi chiến thắng, Quang Trung vẫn không ngừng nghĩ đến hòa bình bền vững bằng cách gửi thư ngoại giao để thiết lập mối quan hệ hòa hảo với nhà Thanh, tránh những cuộc xung đột trong tương lai. Những hành động này chứng minh Quang Trung không chỉ là một vị tướng tài ba, mà còn là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, luôn nghĩ đến lợi ích lâu dài cho đất nước và nhân dân.

Qua bài soạn văn Quang Trung Đại Phá Quân Thanh lớp 8 ngắn nhất ở trên, hi vọng các em học sinh lớp 8 sẽ nắm bắt rõ những giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa mà văn bản mang lại, từ đó khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ, phát huy truyền thống vẻ vang của cha ông.

Các em cũng đừng quên tham khảo các bài soạn văn lớp 8 khác trong cuốn Làm chủ kiến thức Ngữ Văn bằng sơ đồ tư duy lớp 8 Tập 1Tập 2 để nâng cao kiến thức môn Ngữ Văn cũng như đạt điểm số cao hơn trên lớp nhé!

Link đọc thử và mua sách với giá ưu đãi: https://drive.google.com/file/d/1IW8jEFiXWUJSeF7YEEO0N8c3p_ChO1Gw/view

Tkbooks tự hào là nhà xuất bản sách tham khảo lớp 8 hàng đầu tại Việt Nam!

Tkbooks.vn

Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *