Soạn bài gió lạnh đầu mùa lớp 6 Kết nối tri thức và trả lời câu hỏi trong SGK dưới đây sẽ giúp các em học sinh lớp 6 hiểu thêm về tác phẩm Gió lạnh đầu mùa qua việc phân tích các nhân vật cũng như thể loại và các chi tiết tiêu biểu trong truyện.
Mời các em tham khảo!
Soạn bài gió lạnh đầu mùa lớp 6 Kết nối tri thức
I. Khái quát chung về tác giả Thạch Lam và tác phẩm Gió lạnh đầu mùa
1. Tác giả Thạch Lam
Thạch Lam (1910 – 1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sinh ra ở Hà Nội, lúc nhỏ sống ở quê ngoại – phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ông sáng tác ở nhiều thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, tuỳ bút,…) song thành công nhất vẫn là truyện ngắn.
Truyện ngắn của Thạch Lam giàu cảm xúc, lời văn bình dị và đậm chất thơ. Nhân vật chính thường là những con người bé nhỏ, cuộc sống nhiều vất vả, cơ cực mà tâm hồn vẫn tinh tế, đôn hậu.
Tác phẩm của Thạch Lam ẩn chứa niềm yêu thương, trân trọng đối với thiên nhiên, con người, cuộc sống. Các tập truyện ngắn tiêu biểu của Thạch Lam: Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc,…
Gió lạnh đầu mùa được đánh giá là truyện ngắn viết về đề tài trẻ em xuất sắc nhất của Thạch Lam.
2. Tác phẩm Gió lạnh đầu mùa
Gió lạnh đầu mùa được in năm 1937 trong tập truyện ngắn cùng tên của Thạch Lam – tập truyện chứa đựng những trăn trở, day dứt đầy tình yêu thương của nhà văn đối với con người, đặc biệt là những con người nghèo khó, khốn khổ.
Truyện mở đầu bằng cái lạnh rét mướt và kết thúc trong hơi ấm tình người. Tác phẩm là câu chuyện về hai chị em Sơn thấy Hiến co ro trong cái áo rách tả tơi thì động lòng thương xót, liền bàn nhau đem áo của em Duyên – người em đã mất khi lên bốn, đem tặng Hiên.
Khi nghe vú già nói mẹ sẽ quở mắng, chị em Sơn đâm ra lo sợ, thế là đi tìm Hiên để đòi lại áo nhưng thật không ngờ, khi trở về nhà, chị em Sơn đã thấy mẹ con Hiên ở đó trả lại áo và mẹ Sơn không trách mắng hai con mà còn cho nhà Hiên mượn năm hào may áo.
II. Đọc hiểu văn bản Gió lạnh đầu mùa
1. Đặc điểm thể loại truyện ngắn qua văn bản
1.1. Người kể chuyện
Người kể chuyện trong văn bản Gió lạnh đầu mùa là người kể ngôi thứ ba.
1.2. Nhân vật
– Nhân vật trong truyện “Gió lạnh đầu mùa”: Sơn, Lan, Hiên, mẹ Sơn, mẹ Hiền vú già, Xuân, và một số đứa trẻ nhà nghèo. Trong đó Sơn, Lan là những nhân vật trung tâm.
– Nhân vật Sơn, Lan, mẹ Hiên là đại diện cho tầng lớp trung lưu, gia cảnh khá giả. Hiên, mẹ Hiên là đại diện cho tầng lớp bần nông nghèo khó, khổ cực.
– Các nhân vật được xây dựng ở ngoại hình với cách ăn mặc, hành động, cách ứng xử, ý nghĩ.
+ Sơn và Lan là những đứa trẻ có cuộc sống đầy đủ, không lo lạnh lẽo giá rét, tính cách hồn nhiên vô tư và có trái tim ấm áp, biết quan tâm, chia sẻ với người khác.
+ Mẹ Sơn là người phụ nữ nhân hậu, bao dung, biết thấu hiểu, cảm thông cho người khác.
+ Hiến và mẹ Hiên là những người nghèo khổ, gia cảnh khốn khó, thiếu ăn thiếu mặc nhưng giàu lòng tự trọng, sống lương thiện, hiền lành thật thà.
1.3. Cốt truyện
– Truyện “Gió lạnh đầu mùa” tập trung vào cách ứng xử hành động cho áo của chị em Sơn với Hiến vào một ngày đầu đông lạnh lẽo:
+ Những cơn gió lạnh đầu mùa thổi đến phố chợ.
+ Chị em Lan, Sơn xúng xính trong những chiếc áo ấm đắt tiền trong khi những đứa trẻ nghèo hàng xóm vẫn mặc những chiếc áo mong manh thường ngày; riêng Hiên vẫn mặc chiếc áo rách tơi tả, đang co ro vì lạnh.
+ Ái ngại về hoàn cảnh của Hiên, Sơn và Lan quyết định về nhà lấy áo bông của Duyên (đứa em xấu số), giấu mẹ, mang sang cho Hiền.
+ Chuyện đến tai người nhà, Sơn và Lan sợ bị mẹ mắng. Đi đòi lại áo không được, không dám về nhà.
+ Mẹ Hiên mang áo bông sang nhà trả lại, may mắn được mẹ Sơn và Lan cho vay tiền mua áo.
→ Cốt truyện sắp xếp theo quan hệ nguyên nhân và kết quả: không có sự việc trước thì không dẫn đến sự xuất hiện của các sự việc tiếp theo.
1.4. Chi tiết tiêu biểu
– Mẹ không trách mắng mà chỉ nghiêm nghị hỏi chị em sơn về chiếc áo bông.
+ Ý nghĩa chi tiết: Chi tiết về cách ứng xử của mẹ Sơn cho thấy mẹ Sơn đồng tình với suy nghĩ và hành động nhân hậu của các con. Hành động của Sơn và Lan đã khiến mẹ Sơn cảm thông thấu hiểu hoàn cảnh của mẹ con Hiên và có hành động giúp đỡ kịp thời.
– Chi tiết mẹ Hiền mang chiếc áo bông cũ sang trả cho mẹ Sơn.
+ Ý nghĩa chi tiết: Chi tiết mẹ Hiên lập tức mang áo sang trả đã cho thấy mẹ Hiên là người phụ nữ tuy hoàn cảnh nghèo khó nhưng rất hiểu chuyện, hiểu chiếc áo bông là kỉ vật và lập tức đem trả lại với lòng tự trọng, thái độ chân thật và biết ơn.
2. Đọc hiểu các nhân vật
2.1. Nhân vật Sơn
2.2. Nhân vật Lan
2.3. Nhân vật hai người mẹ
– Mẹ Sơn:
+ Mẹ không trách mắng Sơn và Lan vì thấy con đã làm được một việc tốt, đồng cảm với lòng trắc ẩn, tình thương người của hai con.
+ Mẹ Sơn hiểu hoàn cảnh hai mẹ con Hiên và cho họ mượn tiền may áo.
→ Người mẹ vừa nghiêm khắc vừa ấm áp yêu thương, là người có tấm lòng nhân hậu và rất tế nhị.
– Mẹ Hiên: thấy con mặc áo mới, liền hỏi ai cho, dắt Hiên đến tận nhà để trả áo cho hai chị em Sơn → Nghèo nhưng giàu lòng tự trọng.
3. Các yếu tố miêu tả cảnh vật
– Các yếu tố miêu tả cho ta thấy sự tinh tế của tác giả.
– Các yếu tố miêu tả cảnh vật còn giúp ta hiểu rõ hơn về nhân vật, giúp người đọc cảm nhận được tình người ấm áp qua sự quan tâm chăm sóc của mẹ, sự chia sẻ đồng cảm một cách ngây thơ của hai chị em Sơn.
4. Thông điệp của văn bản Gió lạnh đầu mùa
Tác phẩm Gió lạnh đầu mùa đã khắc họa bức tranh chân thực về cuộc sống của những gia đình xóm chợ với cái nghèo tiền kiếp chưa tan, với những đứa trẻ con như thẳng Cúc, thằng Xuân, con Tý, con Túc, con Hiên… cái áo tả tơi, tím tái thịt da trong cái lạnh căm căm đầu mùa. Tác phẩm cũng đã xây dựng nên một thế giới ấm áp với những con người trong sáng, hiền hòa, vô tư không vụ lợi, như mẹ con Sơn hơi ấm tình người ở họ cứ lan tỏa, thấm sâu dần, xua đi cái lạnh lẽo của gió đầu mùa tự lúc nào. Từ tình huống truyện đến nhân vật, chi tiết … được Thạch Lam xây dựng bằng ngòi bút tinh tế, nhẹ nhàng, vừa hiện thực vừa lãng mạn tự nhiên đã để lại trong tâm hồn người đọc những dư vị đằm thắm của tỉnh người và một sự cảm thương man mác với những phận đời nghèo khó để nhen lên trong mỗi người ngọn lửa nhân ái, vị tha đẹp đẽ. Qua đó, nhà văn muốn nhắn nhủ với chúng ta:
- Hãy sẵn sàng yêu thương chia sẻ khi có thể ngay từ những hành động nhỏ nhất.
- Dù bất cứ lí do gì hãy luôn thành thật và tự trọng.
- Luôn biết thông cảm, thấu hiểu và rộng lòng tha thứ cho người khác.
Trả lời câu hỏi trong SGK Ngư Văn 6 bài Gió lạnh đầu mùa
1. Câu chuyện được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy?
Câu chuyện “Gió lạnh đầu mùa” được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ ba.
2. Liệt kê một số chi tiết, hình ảnh miêu tả thái độ của chị em Sơn với các bạn nhỏ.
- Chị em Sơn thân thiện và gần gũi: Khi Sơn và chị Lan đến cuối chợ, dù các bạn nhỏ nghèo khó, chị em Sơn không tỏ ra kiêu kỳ hay khinh thường, mà vẫn thân mật chơi đùa cùng các bạn. Điều này thể hiện qua việc Sơn luôn chơi chung với các bạn nghèo mà không có thái độ phân biệt.
- Quan sát và thấu hiểu sự thiếu thốn của các bạn: Sơn nhận thấy các bạn như Cúc, Xuân, Tý, Túc chỉ mặc những bộ quần áo màu nâu bạc, vá nhiều chỗ, và đặc biệt, mỗi khi có gió, các bạn lại run lên vì lạnh. Điều này thể hiện sự quan tâm và tinh tế trong cách nhìn nhận của Sơn về hoàn cảnh của các bạn.
- Chia sẻ và sẵn lòng giúp đỡ: Khi thấy Hiên mặc áo rách, Sơn đã động lòng thương và đề nghị chị Lan về lấy áo bông cũ cho Hiên. Điều này thể hiện tấm lòng nhân hậu và sẵn sàng chia sẻ của chị em Sơn đối với những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
- Sự cảm thông của Lan khi mời Hiên lại chơi: Chị Lan không chỉ gọi Hiên lại chơi mà còn quan tâm hỏi han về chiếc áo rách, bày tỏ sự lo lắng khi biết Hiên không còn áo lành để mặc.
3. Chỉ ra các câu văn miêu tả ý nghĩ của Sơn khi nghe mẹ và vú già trò chuyện về chiếc áo bông cũ của em Duyên; khi Sơn nhớ ra cuộc sống nghèo khổ của mẹ con Hiên. Những suy nghĩ, cảm xúc ấy giúp em cảm nhận được gì về nhân vật này?
Các câu văn miêu tả ý nghĩ của Sơn khi nghe mẹ và vú già trò chuyện về chiếc áo bông cũ của em Duyên và khi Sơn nhớ ra cuộc sống nghèo khổ của mẹ con Hiên:
- Khi mẹ nhắc đến chiếc áo của em Duyên: “Mẹ Sơn nhắc đến làm Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá.” => Câu văn này thể hiện tình cảm sâu sắc của Sơn đối với em gái đã mất, qua đó cho thấy Sơn là người giàu lòng yêu thương và luôn trân trọng ký ức gia đình.
- Khi Sơn nhớ ra hoàn cảnh khó khăn của Hiên: “Sơn bấy giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa.” => Câu văn này cho thấy Sơn không chỉ nhận thức được hoàn cảnh của người khác mà còn có sự đồng cảm sâu sắc. Sơn hiểu và cảm thông với nỗi vất vả của mẹ con Hiên, biểu hiện sự nhạy cảm và tinh tế trong suy nghĩ của em.
Những suy nghĩ và cảm xúc này giúp ta cảm nhận được rằng Sơn là một cậu bé giàu lòng nhân ái, biết quan tâm và thấu hiểu hoàn cảnh của người khác. Em không chỉ biết cảm thương cho em gái mình mà còn có lòng trắc ẩn với bạn bè có hoàn cảnh khó khăn. Sự trong sáng, ngây thơ và nhân hậu của Sơn khiến nhân vật trở nên đáng yêu và gần gũi, là một tấm gương về lòng nhân ái và tinh thần sẻ chia trong cuộc sống.
4. Khi cùng chị Lan mang chiếc áo bông cũ cho Hiên, Sơn cảm thấy như thế nào? Cảm xúc ấy giúp em hiểu gì về ý nghĩa của sự chia sẻ?
Khi cùng chị Lan mang chiếc áo bông cũ cho Hiên, Sơn cảm thấy “trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.” Cảm xúc ấm áp và niềm vui của Sơn khi chia sẻ chiếc áo với Hiên cho thấy rằng việc giúp đỡ và chia sẻ với người khác không chỉ đem lại hạnh phúc cho người nhận mà còn mang lại niềm vui và sự mãn nguyện cho người cho đi.
Điều này giúp ta hiểu rằng sự chia sẻ có ý nghĩa sâu sắc không chỉ về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần. Khi chúng ta sẵn lòng san sẻ những gì mình có, dù nhỏ bé, với những người thiếu thốn, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc và sự ấm áp từ chính hành động đó. Sự chia sẻ, đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn, giúp tạo nên tình người và kết nối cảm xúc giữa mọi người, làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa và đầy tình thương yêu.
5. Hành động vội vã đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông cũ có làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn không? Vì sao?
Hành động vội vã đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông cũ không làm giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn. Trái lại, hành động này còn cho thấy Sơn là một cậu bé rất thực tế, gần gũi và có tâm lý trẻ con.
Sơn ban đầu rất hào hứng khi chia sẻ chiếc áo với Hiên, thể hiện lòng nhân ái và tình thương. Nhưng khi bị đe dọa sẽ bị mẹ mắng, Sơn lo sợ và bối rối, vội vàng đi tìm Hiên để đòi lại áo. Điều này là phản ứng tự nhiên của một đứa trẻ, xuất phát từ tâm lý sợ bị trách phạt. Tuy có chút ích kỷ trong khoảnh khắc đó, nhưng nó không làm mất đi tình cảm đáng quý của Sơn.
Chính sự mâu thuẫn giữa lòng tốt và nỗi sợ hãi khiến nhân vật Sơn trở nên sống động, chân thật. Sơn không hoàn hảo, nhưng cũng vì thế mà cậu bé trở nên gần gũi và đáng yêu hơn, giúp người đọc thấy rõ sự hồn nhiên, ngây thơ của một đứa trẻ.
6. Hãy nhận xét về cách ứng xử của mẹ Hiên và mẹ Sơn trong đoạn kết của truyện.
Trong đoạn kết của truyện, cách ứng xử của mẹ Hiên và mẹ Sơn đều thể hiện sự nhân hậu, tế nhị và tinh tế trong tình cảm giữa những người nghèo khổ, hàng xóm láng giềng.
- Mẹ Hiên: Khi thấy Hiên mặc chiếc áo bông cũ, mẹ Hiên không trách móc mà hiểu ngay rằng đây là hành động xuất phát từ lòng tốt của chị em Sơn. Thay vì giữ lại chiếc áo, bà đem trả cho mẹ Sơn để tránh gây phiền lòng cho gia đình. Sự hiểu biết và ý thức tự trọng của mẹ Hiên thể hiện qua việc bà không muốn gia đình khác phải chịu sự thiệt thòi vì mình, ngay cả khi bà và con gái đang rất thiếu thốn. Cách ứng xử của mẹ Hiên cho thấy lòng tự trọng, sự cảm kích và lòng tốt thầm lặng, dù hoàn cảnh nghèo khó.
- Mẹ Sơn: Khi biết được hành động chia sẻ của các con, mẹ Sơn không trách phạt mà ngược lại còn âu yếm ôm hai con vào lòng, thể hiện sự trân trọng và khuyến khích tinh thần biết yêu thương, sẻ chia. Thay vì chỉ trích, bà còn đưa tiền cho mẹ Hiên để may áo mới cho Hiên, vừa giúp đỡ vừa duy trì lòng tự trọng của người nhận. Cách xử lý của mẹ Sơn cho thấy bà là người bao dung, hiểu thấu lòng tốt của con và biết cách truyền dạy giá trị đạo đức qua hành động cụ thể.
Cách ứng xử của mẹ Hiên và mẹ Sơn trong đoạn kết không chỉ tôn vinh giá trị của lòng nhân ái và tình người, mà còn thể hiện sự tôn trọng, đồng cảm và ý thức sâu sắc về sự chia sẻ một cách chân thành, tế nhị. Qua đó, tác phẩm nhấn mạnh tầm quan trọng của tình thương và sự giúp đỡ trong cuộc sống, đặc biệt giữa những người có hoàn cảnh khó khăn.
7. Đọc lại một số đoạn văn tác giả miêu tả những đổi thay của đất trời khi mùa đông đến. Em có thích những đoạn văn này không? Vì sao?
Những đoạn văn miêu tả sự chuyển biến của đất trời khi mùa đông đến trong truyện “Gió lạnh đầu mùa” rất sống động và tinh tế. Tác giả Thạch Lam đã khéo léo dùng từ ngữ để vẽ nên bức tranh thiên nhiên thay đổi từ một ngày nắng ấm chuyển sang một ngày đông lạnh giá. Những chi tiết như “trời bỗng đổi gió bấc,” “trời không u ám, toàn một màu trắng đục,” hay “cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ” đều gợi tả được cảm giác lạnh lẽo và hiu quạnh của mùa đông.
Em rất thích những đoạn văn này vì chúng không chỉ miêu tả thời tiết mà còn truyền tải một không khí và cảm xúc đặc biệt. Những hình ảnh thiên nhiên trở nên có hồn, giúp người đọc cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của cảnh vật và tiết trời, từ đó như có thể “chạm” vào cái lạnh đầu mùa cùng nhân vật. Cách miêu tả tinh tế và sinh động của Thạch Lam không chỉ thể hiện khả năng quan sát tài tình mà còn gợi lên trong lòng người đọc cảm giác bâng khuâng, hoài niệm về mùa đông. Những đoạn văn này giúp em thấy gần gũi hơn với khung cảnh và cảm xúc của nhân vật, làm cho câu chuyện trở nên chân thực và giàu cảm xúc hơn.
Qua bài soạn gió lạnh đầu mùa lớp 6 Kết nối tri thức và trả lời câu hỏi trong SGK ở trên, hi vọng các em học sinh lớp 6 sẽ nắm rõ hơn về những giá trị nhân văn và thông điệp sâu sắc mà truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam mang lại.
Bài soạn văn trên và tất cả các bài soạn văn lớp 6 khác được biên soạn rất chi tiết và đầy đủ trong cuốn sách Làm chủ kiến thức Ngữ Văn lớp 6 bằng sơ đồ tư duy Tập 1 và Tập 2 (tương ứng với học kì 1 và học kì 2). Các em hãy mua ngay cuốn sách này để hỗ trợ cho việc học môn Ngữ Văn của mình nhé!
Tkbooks tự hào là nhà xuất bản sách tham khảo lớp 6 hàng đầu tại Việt Nam!
>>> Link đọc thử sách: https://drive.google.com/file/d/1bQpeZKcKDzEbbJ2g_Ce-LPO7WVVHLmo6/view