Các biện pháp liên kết lớp 7 – Thực hành trong từng văn bản

Các biện pháp liên kết lớp 7 – Thực hành trong từng văn bản

Các biện pháp liên kết lớp 7 là kiến thức ngữ pháp quan trọng các em cần nắm chắc trong chương trình học.

Trong bài viết này, Tkbooks sẽ tổng hợp lại toàn bộ kiến thức về các biện pháp liên kết lớp 7 kèm theo phần thực hành trong từng văn bản mà các em đã học.

Mời các em tham khảo!

I. Kiến thức các biện pháp liên kết: Một số biện pháp liên kết (phép liên kết) và từ ngữ liên kết (phương tiện liên kết)

1. Phép lặp

– Khái niệm: Phép lặp là cách dùng đi dùng lại một yếu tố ngôn ngữ, ở những bộ phận khác nhau (trước hết ở đây là những câu khác nhau) của văn bản nhằm liên kết chúng lại với nhau.

– Phép lặp được tạo nên bằng cách để câu sau lặp lại một số từ ngữ của câu trước.

– Phép lặp ngoài tác dụng liên kết, còn có tác dụng tu từ như nhấn mạnh gây cảm xúc, gây ấn tượng mạnh…

– Các phương tiện trong phép lặp:

+ Các yếu tố ngữ âm (vần, nhịp) gọi là lặp ngữ âm: hiện tượng hiệp vần và cắt nhịp đều đặn các câu trong văn bản.

+ Các từ ngữ, gọi là lặp từ ngữ: Lặp từ ngữ nhắc lại những từ ngữ nhất định ở những phần không quá xa nhau trong văn bản nhằm tạo ra tính liên kết giữa những phần ấy với nhau.

+ Lặp cú pháp: dùng nhiều lần một kiểu cấu tạo cú pháp nào đó (có thể nguyên vẹn hoặc biến đổi chút ít) nhằm tạo ra tính liên kết ở những phần văn bản chứa chúng. Lặp những cấu tạo cú pháp đơn giản và ngắn gọn để gây hiệu quả và nhịp điệu, nhờ đó gia tăng được tính liên kết.

2. Phép thế

– Phép thế là cách thay những từ ngữ nhất định bằng những từ ngữ có ý nghĩa tương đương (cùng chỉ sự vật ban đầu, còn gọi là có tính chất đồng chiếu) nhằm tạo tính liên kết giữa các phần văn bản chứa chúng.

– Có 2 loại phương tiện dùng trong phép thế là thay thế bằng từ ngữ đồng nghĩa và thế bằng đại từ.

2.1. Thế đồng nghĩa

– Thế đồng nghĩa bao gồm việc dùng từ đồng nghĩa, cách nói vòng (nói khác đi), cách miêu tả thích hợp với từ ngữ được thay thế.

2.2. Thế đại từ

– Thế đại từ là dùng những đại từ (nhân xưng, phiếm định, chỉ định) để thay cho một từ ngữ, một câu, hay một ý gồm nhiều câu v. V… nhằm tạo ra tính liên kết giữa các phần văn bản chứa chúng.

* Một số từ ngữ được sử dụng trong phép thế: Đây, đó, kia, thế, vậy…

3. Phép nối

– Phép nối là cách dùng những từ ngữ sẵn mang ý nghĩa chỉ quan hệ (kể cả những từ ngữ chỉ quan hệ cú pháp bên trong câu) và chỉ các quan hệ cú pháp khác trong câu vào mục đích liên kết các phần trong văn bản (từ câu trở lên) lại với nhau.

– Phép nối có thể dùng các phương tiện sau đây:

+ Kết từ,

+ Kết ngữ,

+ Trợ từ, phụ từ, tính từ,

+ Quan hệ về chức năng cú pháp (tức quan hệ thành phần câu hiểu rộng; có sách xếp phương tiện này riêng ra thành phép tỉnh lược).

3.1. Nối bằng kết từ

– Kết từ (quan hệ từ, từ nối) là những hư từ quen thuộc dùng để chỉ quan hệ giữa các từ ngữ trong ngữ pháp cấu, như: vì, với, thì, mà, còn, nhưng, vì, nếu, tuy, cho nên,… Kết từ cũng được dùng để liên kết trong những cấu tạo ngôn ngữ lớn hơn câu.

3.2. Nối bằng kết ngữ

– Kết ngữ là những tổ hợp từ gồm có một kết từ với một đại từ hoặc phụ từ như vì vậy, do đó, bởi thế, tuy vậy, nếu vậy, vậy mà, thế thì, với lại, vả lại… hoặc những tổ hợp từ có nội dung chỉ quan hệ liên kết kiểu như nghĩa là, trên đây, tiếp theo, nhìn chung, tóm lại, một là, ngược lại…

3.3. Nối bằng trợ từ, phụ từ, tính từ

– Một số trợ từ, phụ từ, tính từ tự thân mang ý nghĩa quan hệ được dùng làm phương tiện liên kết nối các bộ phận trong văn bản, chẳng hạn như: cũng, cả, lại, khác….

3.4. Nối theo quan hệ chức năng cú pháp (thành phần câu hiểu rộng)

– Trong nhiều văn bản, nhất là văn bản nghệ thuật, có những câu chỉ tương đương một bộ phận nào đó (một chức năng cú pháp nào đó) của câu lân cận hữu quan. Đó là những câu dưới bậc hoặc ngữ trực thuộc.

II. Thực hành mạch lạc và liên kết (biện pháp liên kết và từ ngữ liên kết)

Bài tập (SGK, Trang 59, 60)

* Cách thực hiện

– Bước 1. Áp dụng kiến thức tính mạch lạc và liên kết (Biện pháp liên kết và từ ngữ liên kết) để thực hiện bài tập.

– Bước 2:

+ Yêu cầu 1 sử dụng kiến thức tính mạch lạc để thực hiện.

+ Yêu cầu 2, 3 sử dụng kiến thức liên kết (biện pháp liên kết và từ ngữ liên kết) để thực hiện.

+ Yêu cầu 4, 5 sử dụng kiến thức tính mạch lạc và liên kết (biện pháp liên kết và từ ngữ liên kết) để thực hiện.

* Gợi ý

1. Tóm lược ý của từng đoạn văn và cho biết nhờ tính chất gì của hai đoạn văn mà có thể tóm lược được như vậy.

* Tóm lược ý của từng đoạn

– Đoạn thứ nhất: “Ông” kể cho Sam về cách nhìn cuộc đời của “mẹ ông” và “bố ông”.

– Nội dung đoạn 2: “Ông” luôn tin tưởng mọi người, ngược lại, mẹ ông thì luôn hoài nghi.

* Do tất cả các câu trong đoạn văn cùng tập trung thể hiện một chủ đề, giữa các câu có sự liên kết về hình thức.

2. Phương tiện liên kết giữa các câu trong đoạn thứ nhất và các câu trong đoạn thứ hai.

Đoạn câu Từ ngữ liên kết (phương tiện liên kết)
Thứ nhất Câu (2) và câu (1) lặp từ ngữ: bản đồ dẫn đường của cháu
Câu (3) và câu (2) lặp từ: ông
Câu (4) và câu (3) đại từ thay thế: mẹ ông – bà và lặp lại từ ông
Câu (5) và câu (4) từ ngữ thay thế: quan điểm đó thay cho cụm từ nói về quan điểm của mẹ; lặp lại từ ông
Thứ hai Tất cả các câu liền kề nhau lặp lại từ: ông

3. Câu có tác dụng liên kết đoạn thứ hai với đoạn thứ nhất: Nhưng quan điểm ấy dường như không phù hợp với ông.

Các phương tiện liên kết đoạn thứ hai: sử dụng quan hệ từ nhưng – chữ đầu tiên nằm ở câu (1) của đoạn thứ hai, bên cạnh đó lặp lại từ quan điểm ở đoạn thứ nhất.

4. Sắp xếp trật tự các câu trong từng đoạn để rút ra nhận xét:

– Cách sắp xếp thứ nhất: 2, 4, 1, 5, 3, kết quả là: (2) Ông sẽ kể cho cháu nghe tấm bản đồ của ông. (4) Bà vẫn hay nói với ông rằng để tồn tại, ông phải luôn đề phòng, phải luôn cảnh giác. (5) Bố của ông cũng phần nào đồng ý với quan điểm đó. (3) Khi ông còn nhỏ, mẹ ông luôn nhìn cuộc đời này như một nơi đầy hiểm nguy.

→ Nhận xét: Một số câu liền kể nhau không còn phương tiện liên kết nhưng quan trọng hơn, giữa chúng không có mối quan hệ về nội dung.

– Cách sắp xếp thứ hai: 7, 3, 4, 6, 1, 5, 2, kết quả là: (7) Mỗi khi ông và mẹ trò chuyện về một người nào đó và ông khen người họ dễ thương tốt bụng, thế nào mẹ ông cũng ngán ngẩm: “Cứ chờ mà xem!”. (3) Ông cảm thấy yêu mến và tin tưởng những người xung quanh. (4) Ông cảm thấy cuộc đời là chốn bình yên và an toàn. (6) Chưa bao giờ ông cảm thấy tự tin với quan điểm của mình, bởi gia đình ông luôn cho rằng quan điểm đó là hoàn toàn sai lầm. (5) Kết quả là ông nhận thấy mình khác biệt với chính gia đình mình. (1) Nhưng quan điểm ấy dường như không phù hợp với ông. (2) Những gì ông thấy không giống như lời mẹ ông nói.

→ Nhận xét: Về hình thức, phương tiện liên kết (lặp từ ông) vẫn tồn tại, song giữa các câu không có sự liên hệ về nội dung.

Cả hai đều không hề toát ra chủ để gì, vì thế, đó không phải là hai đoạn văn mà chỉ là những câu văn lộn xộn.

5. Hoán đổi vị trí các đoạn văn và rút ra nhận xét:

Hoán đổi vị trí:

(1) Nhưng quan điểm ấy dường như không phù hợp với ông. (2) Những gì ông thấy không giống như lời mẹ ông nói. (3)Ông cảm thấy yêu mến và tin tưởng những người xung quanh. (4) Ông thấy cuộc đời là chốn bình yêu và an toàn. (5) Kết quả là ông nhận thấy mình khác biệt với chính gia đình mình. (6) Chưa bao giờ ông cảm thấy tự tin với quan điểm của mình, bởi gia đình ông luôn cho rằng quan điểm đó là hoàn toàn sai lầm. (7) Mỗi khi ông và mẹ trò chuyện về một người nào đó và ông khen người họ dễ thương tốt bụng, thế nào mẹ ông cũng ngán ngẩm: “Cứ chờ mà xem!”.

(1) Sam, bản đồ dẫn đường của cháu như thế nào? (2) Ông sẽ kể cho cháu nghe tấm bản đồ của ông. (3) Khi ông còn nhỏ, mẹ ông luôn nhìn cuộc đời này như một nơi đầy hiểm nguy. (4) Bà vẫn hay nói với ông rằng để tồn tại, ông phải luôn để phòng, phải luôn cảnh giác. (5) Bố của ông cũng phần nào đồng ý với quan điểm đó.

Nhận xét: Bản thân mỗi đoạn không có gì thay đổi về nghĩa nhưng khi hoán đổi hai đoạn thì cả hai đoạn không còn quan hệ lôgíc, tính liên kết với nhau nữa. Dấu hiệu lộn xộn ở chỗ: Câu chuyện về sự trái ngược trong cách nhìn cuộc đời, con người của ông đã kể ở đoạn trên, thì đến đoạn dưới ông mới nói: Ông sẽ kể cho cháu nghe… Nói như vậy không phù hợp với thực tế giao tiếp. Chính vì vậy, ta không thể đảo vị trí của hai đoạn.

Hi vọng những kiến thức về Các biện pháp liên kết lớp 7 ở trên sẽ giúp các em nắm chắc kiến thức về phần ngữ pháp này cũng như đạt được điểm cao môn Ngữ Văn trên lớp.

Để xem thêm các bài soạn văn và các kiến thức Ngữ Văn khác trong học kỳ 2, các em hãy tham khảo ngay cuốn sách Làm chủ kiến thức Ngữ Văn lớp 7 bằng sơ đồ tư duy Tập 2 của Tkbooks nhé!

Link đọc thử sách: https://drive.google.com/file/d/1HHJj1SClb8fhsj45K_nDXKIgBgnr5AAD/view

Tkbooks tự hào là nhà xuất bản sách tham khảo cho học sinh hàng đầu tại Việt Nam!

Tkbooks.vn

Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *