Yêu thương là cửa ngõ dẫn tới bờ hạnh phúc. Xung đột là con đường gây nên đau khổ. Lòng nhân ái giúp cuộc đời ngập tràn niềm vui. Kiêu căng mang tới bao tai họa. Biến đổi của những phạm trù trong cuộc sống luôn vận hành theo quy tắc nhất định, sự phát sinh của phạm trù này là hệ quả tất yếu của phạm trù kia. Những tai họa xảy đến đôi khi bởi tính kiêu căng. Sống ngập tràn niềm vui đến từ lòng nhân ái. Sự khổ đau nguyên do bởi xung đột. Hạnh phúc được hiện hữu hệ tại bởi yêu thương. Trong chiều hướng đó, văn hào Sénèque đã có lý khi đưa ra câu nói: “Lòng can đảm đưa người ta đến vinh quang, tính hèn nhát đưa người ta đến cái chết” như một lời nhắc nhở gợi lên trong ta về lựa chọn tính cách trong cuộc sống.
Ai đó đòi lại chân lý cho người đang bị bất công chà đạp, dành lại tự do cho những ai bị áp bức, lôi hòa bình ra từ chiến tranh. Những ai thực hiện những hành vi vừa nêu một cách không sợ hãi và thi hành một cách liên tục thì ta gọi là người có “lòng can đảm”. “Còn tính hèn nhát” là một sự sợ hãi khi phải đương dầu với việc nghĩa và nó hoàn toàn ngược lại với lòng can đảm. “Vinh quang” là một trạng thái vẻ vang khi đạt được mục đích và những dự định trong quá khứ. Còn “cái chết” là trạng thái hủy hoại, không công tồn tại của người, sự việc, hay mất đi những dự định, ước mơ trong quá khứ. Vì thế câu nói là một lời khẳng định sự hiện hữu của hai mặt đối nghịch trong cùng một thực tại, một công việc và kết quả của đó được vinh quang hay cái chết đều hệ tại việc con người đặt vào đó thái độ can đảm nay tính hèn nhát..
Nói cách khác, “lòng can đảm” là phẩm chất xuất phát từ bên trong con người, nó được biểu lộ ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể như: bênh vực công lý, giúp đỡ những người yếu thế, làm chứng cho sự thật, bảo vệ sự “thiện” nhằm mưu ích cho cộng đồng và xã hội. Với những người có tinh thần yêu nước thì đó là đức tính hàng đầu giúp họ giải phóng dân tộc, còn những người có niềm tin tôn giáo hay các bậc tu hành thì can đảm giúp họ tự tin chống lại “tham, sân, si”, những mưu cầu, chống đối đi ngược với niềm tin cũng như giáo lý. “Tính hèn nhát” cũng được biểu lộ bằng những hành động cụ thể bên ngoài nhưng hoàn toàn ngược lại so với tính can đảm. Nghĩa là, sợ hãi khi đương đầu với khó khăn, không dám bơi ngược dòng nước vì sợ “trầy da, tróc vảy”, chỉ như cánh bèo trôi theo con nước chảy, mặc cuộc đời cho số phận. Tính hèn nhát phát xuất từ thái độ thiếu tự tin, không dám khẳng định giá trị của bản thân trước sóng gió cuộc đời.
Giữa một xã hội đầy những biến chuyển như hiện nay thì ranh giới giữa can đảm và hèn nhát, vinh quang và suy vong làm cho con người khó có thể phân biệt. Vì thế, con người đang mất dần cảm thức về những đức tính phát xuất từ tâm hồn và có giá trị trường tồn mà chỉ quan tâm đến những gì mang tính “tức thì” với vẻ hào nhoáng bên ngoài. Một hành động được biểu lộ ra bên ngoài đối với người này cho là “can đảm” nhưng đối với người kia thì “hèn nhát”. Chừng mười mấy năm về trước, người viết còn nhớ ở vùng quê có anh thanh niên, vì không chịu nổi sự đau khổ khi người yêu đi lấy chồng sau quãng thời gian hai năm yêu nhau mặn nồng, nên anh tìm đến cái chết để minh chứng cho lòng chung thủy. Lúc này trong làng có hai quan niệm: đối với những người lớn tuổi, có kinh nghiệm đường đời thì cho rằng đó là một hành động “hèn nhát”. Còn những ai bằng tuổi người viết thì cho rằng đó là một hành động “can đảm”, để chứng minh cho lòng chung thủy của anh đối với người bạn gái. Do đó, anh trở thành biểu tượng về lòng chung thủy trong tình yêu đối với những thanh niên thời bấy giờ. Hay gần đây lại dẫy lên phong trào ôm bom tự sát ở các trung tâm thương mại, trường học và những chỗ đông người của những tay súng đứng lên tự xưng là Nhà nước Hồi Giáo. Đối với những người thuộc Nhà nước Hồi Giáo thì cho rằng đây là một hành vi “can đảm” vì đã hy sinh bản thân cho “nhiệm vụ cao cả”. Còn đa số người dân trên thế giới lại cho rằng đó là một hành vi “liều lĩnh”, ác độc và đáng bị lên án.
Hiểu theo định nghĩa về lòng can đảm và tính hèn nhát được nêu lên, ở mức độ cần thiết có thể khẳng định hành động của anh thanh niên và những tay súng đánh bom tự tử là những người có thái độ liều lĩnh, bán rẻ mạng sống sống mình cho việc không đáng vào đâu. Bởi cuộc sống là một huyền nhiệm, hiện hữu của mỗi người trên trần gian chỉ một lần duy nhất, không thể vì người yêu đi lấy chồng mà bỏ mất mạng sống mình, cũng chẳng thể nhân danh “lòng chung thủy” mà làm cho người thân trong gia đình phải khổ đau. Những tay súng thuộc nhà nước Hồi Giáo cũng vậy, hy sinh mạng sống vì niềm tin tôn giáo mình theo là điều tốt, nhưng nó chỉ tốt khi niềm tin của tôn giáo đó mang lại cho con người cuộc sống hạnh phúc. Ngược lại đây là một niềm tin mang tính bạo động hơn là mang tới cho con người cuộc sống bình yên, mang tính hủy diệt hơn sự thánh thiêng. Vì thế, không thể ngụy biện rằng nhằm bảo vệ cho niềm tin nên họ có thể ngang nhiên lấy đi mạng sống của người khác, đáng lên án hơn nạn nhân của những cuộc khủng bố này lại là những trẻ em và học sinh vô tội. Qua đó cho thấy, tính hèn nhát không chỉ hy sinh mạng sống mình một cách uổng công mà còn gây khổ đau cho những người khác. Lối suy nghĩ và những hành động như thế đáng bị lên án và bài trừ.
Nói qua thì cũng phải nói lại, chỉ đề cập tính hèn nhát mang tới cho con người sự chết và cuộc sống đầy những mối âu lo thấy cuộc đời sao buồn và bi quan đến lạ. Ngược lại, đâu đó trong mọi ngõ ngách của cuộc sống vẫn còn sự hiện hữu của tính can đảm để làm cho nguyên tắc vận hành của vũ trụ đi vào thế cân bằng. Nếu hiện hữu của những người người hèn nhát là điều đương nhiên thì hiện diện của những người can đảm là lẽ tất yếu. Nếu sự chết làm cho con người phải sợ thì vinh quang là niềm an ủi trong cuộc đời. Ngược dòng lịch sử, đã có không ít người can đảm hy sinh bản thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc hay vì niềm tin tôn giáo. Sự thật câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm dầu vào mình để đốt kho xăng của địch mặc dầu chưa được hé lộ, nhưng hành động này cũng để cho thấy lòng dũng cảm rất đáng được mọi người mến mộ và tự hào của thiếu niên Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có những con người đã hy sinh bản thân vì niềm tin tôn giáo. Nếu ở Phật Giáo có Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu trong thập niên sáu mươi nhằm lên án sự phân biệt tôn giáo của chính phủ lâm thời (mặc dù sự kiện này còn có nhiều điểm nghi ngờ do sự điều khiển của chế độ Cộng sản) thì ở Giáo hội La Mã có không ít những người đã chấp nhận hy sinh bản thân vì niềm tin hay vì người khác. Đầu tiên cần kể đến linh mục Maximilian Maria Kolbe, người đã tự nguyện chết thay cho bạn tù. Kế đến chúng ta cũng không quên gương chứng nhân là mẹ Têrêxa Calcutta, người đã can đảm hy sinh cả cuộc đời để bênh vực cũng như giúp đỡ những người nghèo. Gần nhất với chúng ta là đến Đức Giáo hoàng Phanxicô, dù trong một xã hội đầy những biến động nhưng ngài vẫn luôn lên tiếng để bảo vệ người nghèo cũng như lên án trước những hành động đối với những ai đi ngược lại với “luân thường đạo lý”. Do đó, lòng can đảm là thước đo để đem lại hòa bình cũng như hạnh phúc, có lòng can đảm thì tình yêu sẽ được phát sinh và nụ cười sẽ được mở trên môi con người. Và ít nhất cho tới giây phút này những người thực thi tính can đảm đang được người đời nhìn nhận và tung hô, đó cũng chính là giá trị của sự vinh quang.
Xã hội càng hiện đại, văn minh thì con người càng bị lôi kéo vào vòng tranh chấp bất tận. Trong chừng mực nào đó có thể nói, ngày nay ai cũng muốn tích góp thật nhiều của cải để đáp ứng cho cái tôi ưa thích hưởng thụ và muốn củng cố địa vị trong xã hội để tôn vinh cái tôi. Để mang tới hạnh phúc cho người khác là cả một chặng đường gian nan, hy sinh bản thân cho ai đó là điều khó thực hiện. Những hệ lụy này phát xuất bởi ranh giới giữa công chính và tội lỗi, hiền lành và gian ác, kiêu căng và khiêm nhường rất khó để phân biệt như đã nói ở trên. Nói đúng hơn, hành động của con người ngày nay có vẻ như đang được bao bọc bởi những “nhãn hiệu” rất tinh vi cùng với sự can thiệp của lý trí quá mức cho phép. Nghĩa là mọi hành động con người ngày nay thực hiện đều được “cân, đo, đong, đếm” một cách rõ ràng, chỉ khi nào mang tới cái “lợi” và không ảnh hưởng gì tới bản thân thì mới thực hiện. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ra đường ai đó bị kẻ xấu hãm hại hay bị áp bức thì rất ít người đứng ra để bênh vực hay giúp đỡ. Điều này cũng đồng nghĩa với bệnh “vô cảm” nơi con người ngày nay đang ở mức báo động. Tuy nhiên, đó là mặt trái của cuộc đời, chúng ta không thể “vơ đũa cả nắm” bởi trong xã hội ngày nay vẫn con còn rất nhiều người có lòng can đảm để minh chứng cho “tính thiện” nơi con người còn hiện hữu, như những bác xe ôm bắt cướp, những người lãnh đạo trong các tôn giáo đã hy sinh cả cuộc đời mình để phục vụ phật tử, giáo dân hay giáo hữu, đó là chưa kể đến những người phục vụ trong các trại cai nghiện, trại cùi, những trung tâm chăm sóc cho những thiếu nữ “cơ nhỡ”. Do đó, câu nói của văn hào Sénèque là một tiếng chuông để thức tỉnh những ai đang bị căn bệnh của thời đại tiêm nhiễm, trong đó phải nói đến tính hèn nhát hãy tìm những linh dược để chữa lành nếu không hiện hữu ở trên cõi đời này không còn ý nghĩa. Và phương thuốc để chữa trị những căn bệnh này thì cũng có vô số nhưng chỉ cần mua được dược liệu đó là “lòng can đảm” cũng đủ để chữa lành những vết thương đang “mưng mủ”. Có được toa thuốc này cũng không khó, chỉ cần mở dung lượng trái tim là tình yêu thương nhằm hy sinh giúp đỡ người khác thì vinh quang và giá trị của bản thân sẽ nằm trong tầm tay.
Hành trình sống của mỗi người là chuỗi ngày những chọn lựa giữa thánh thiện và tội lỗi, khiêm nhường và tự mãn, can đảm và hèn nhát. Có những lần “chọn” biết đúng nhưng không dám theo, biết bao lần “lựa” thấy vô lý nhưng cứ thực hiện. Bởi “điều muốn làm nhưng lại không làm còn những điều không muốn làm nhưng lại làm” là bản năng của con người. Tuy nhiên, không vì thế mà ta cứ để cho bản năng lấn át tiếng nói lương tâm, sự gian ác chà đạp lên những giá trị của yêu thương. Ngược lại, hãy để cho những đức tính làm cho tha nhân được hạnh phúc trỗi dậy, để cho tiếng nói của lương tâm điều khiển bản năng trong con người. Vì thế, câu nói của văn hào Sénèque sẽ giúp ta có những chọn lựa nhằm tìm ra ý nghĩa hiện hữu của bản thân nơi trần gian.