Những thi phẩm viết về người lính trong kháng chiến thường ngân lên trong lòng người nhiều rung động. Khó có thể quên một Lên Cấm Sơn của Thôi Hữu,bức thi họa Đồng chí của Chính Hữu,hay chỉ là một hình ảnh thật cảm động:Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa trong Nhớ của Hồng Nguyên. Nhưng thi phẩm mà bóng dáng của nó đã đi và về hơn năm mươi lăm năm,gần gũi và kiêu hùng trong lòng độc giả phải là Tây Tiến. Nơi mà con người Tây Tiến,chiến sĩ Tây Tiến,núi rừng Tây Tiến đã vượt ra ngoài những cảm quan ban đầu của hồn thơ Quang Dũng để đến với đại ngàn thi hứng. Nơi ấy,cuồn cuộn dòng chảy của lạnh lùng và đa tình,hiện thực và lãng mạn,bi và tráng. Một Tây Tiến không chỉ níu kéo bước chân người lính trong thương nhớ.
Người đọc như lạc vào trốn Tây Bắc hiểm trở và hùng tráng được dàn trải trong không gian nhớ mênh mang. Không gian mà thi nhân nhất định phải đặt trong xúc cảm tha thiết và cao vợi:”Tây Tiến ơi”,”nhớ chơi vơi”,”nhớ ôi”. Tiếng gọi và nỗi nhớ làm cho Tây Tiến như một sinh thế,như có linh hồn. Trong sinh thể ấy,người ta thấy những địa danh mà ngay âm thanh cũng gợi đến vẻ đẹp xa xôi của núi rừng,khiến con người thêm mộng mơ,khao khát kiếm tìm. Đó là cái mù mịt của một đêm sương Sài Khao cái ấn hiện của hoa Mường Lát,mưa xa khơi ở Pha Luông. Tất cả đều gợi ấn tượng của sự”lạ hoa”,của những vẻ đẹp kì ảo khó gợi lên. Những hình ảnh đẹp ngay từ cách đặt câu:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Những câu thơ mà đọc lên nghe thấy sự gập ghềnh,hiểm trở. Dường như độ cao và chiều sâu cứ nối tiếp nhau trên con đường của người lính Tây Tiến. Nhưng khó khăn cũng không ngăn trở được con người đến với đỉnh cao:”súng ngửi trời”. Dường như câu thơ đã được phủ lên màn sương lãng mạn của những vần thơ biên tái xưa,man mác một chút”thục đạo nan” xa xăm.
Nhưng Quang Dũng dường như còn muốn đẩy rộng hơn ranh giới của dữ dội và êm dịu,gồ ghề và bằng phẳng,kéo dài khoảng không gian bằng những câu thơ thật đẹp và lạ:
Ngàn thước lên cao,ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơI
Nét bút hào phóng vẽ bằng ngôn từ tạo nên những ấn tượng đậm và sâu:nhà thơ đã đưa lên rất mạnh và hạ xuống đầy sức lực để rồi sau đó,bất ngờ mở ra trước mắt người đọc một Pha Luông. Một Pha Luông mênh mang của vùng cao nguyên xa mờ trong màn mưa.
Nhưng Tây Bắc không chỉ có núi rừng,phong cảnh của một miền Tây xa xôi sẽ còn in dấu rất lâu trong người đọc. Đó là “thác” và “thét” trong cách sắp xếp trái thanh làm nổi bật những ấn tượng về sự linh thiêng. Đó là “Miềng Hịch” được đặt giữa câu gợi bước chân của loài mãnh thú. Và nỗi nhớ bật lên như đã ngầm chảy suốt dọc những câu thơ:”Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói” để gợi về một Mai Châu trong một câu thơ không cần đến các trợ từ quan hệ. Mai Châu-mùa-em-thơm nếp xôi:tất cả như lẫn,như hòa vào nhau,người con gái ở Mai Châu mang vẻ đẹp nồng nàn lẩn khuất trong hương lúa nếp. Những vần thơ được viết nên từ một tâm hồn còn vẹn nguyên sự trẻ trung và lãng man của một thế giới của riêng mình. Một thế giới Tây Bắc bay bổng và kì diệu khiến người đọc lại bâng khuâng nhớ về một thi nhân từng được coi là lãng mạn bậc nhất với những vần thơ tài hoa-Tản Đà:
Tài cao phận thấp chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương
Nhưng Tây Tiến không chỉ đọng lại cùng cảm giác hoang sơ và đơn độc,cái đơn độc đầy ngạo nghề của con người. Nơi ấy,tình người luôn ấm áp và thân thiết. Buổi liên hoan thắm tình quân dân vào thơ dường như đã muốn nhuốm nhiều lắm cảm giác lâng lâng ngây ngất trong tâm hồn thi nhân. Vì thế phải là chữ:”bừng” và “đuốc” trong cảm giác về buổi liên hoan rộn rã,đầy ánh sáng. Nhưng khi kết hợp “đuốc” với “hoa” thì lại mang tới cảm giác lãng mạn của một đêm hội hoa đăng xa xưa. Cảm giác mơ mộng đưa con người vượt lên thực tại đơn thuần,ngỡ ngàng trước”em”. Người con gái của núi rừng với”xiêm áo”-gợi vẻ đẹp của thuở xa xưa,trong âm thanh của tiếng khèn và trong điệu múa nghê thường,vừa e lệ,vừa cuồng nhiệt. Trong xúc cảm đắm đuối ấy,tự bao giờ,”em” đã chuyển thành”nàng”. Không gian và thời gian cũng xa xôi hơn,mơ hồ hơn tạo đà cho sóng nhạc cứ lan mãi,tận miền Viên Chăn để con người đầy mộng xây nên một nguồn thi hứng tình tứ và lãng mạn.
Và cao nguyên Mộc Châu dường như được tô điểm trong cảm hứng đầy chất thơ ấy. Mộc Châu không có cái hùng vĩ của núi rừng,càng không có cái đẹp rạng rỡ và cuồng nhiệt mà Quang Dũng từng đắm chìm trong những câu thơ trước. Những câu thơ về Mộc Châu gieo vào lòng người ấn tượng của một vẻ đẹp man mác,lẩn khuất và xa xăm. Không phải ngẫu nhiên mà thi nhân nhớ đến Mộc Châu trong hoài niệm về một chiều sương. Không gian mơ màng ấy len khắp câu thơ,phủ lên Châu Mộc sự tĩnh lặng và khoác lên người đi,vốn đã là một đại từ phiếm chỉ:cái mênh mang của sự vật. Một chữ”ấy” khiến người đọc hoài nghi. Phải chăng đã có một chiều sương trước đó? Trong thực hay trong mơ? Chỉ biết rằng:một người đi vô định,một chiều sương vô hình đã khiến không gian và thời gian lặng lẽ trôi xa,nhường lại khung cảnh đẹp đến nao lòng:
Có thấy hồn len nẻo bến bờ
Có thấy dáng người trên độc mộc
Hai câu thơ tựa hồ như câu hỏi,khe khẽ và bâng quơ. Âm điệu nhẹ nhàng như hơi thở,cố tìm kiếm trong kí ức để xuất hiện hai lần “có thấy”,”có nhớ”. Không phải những bông lau,hoa lau,cách thể hiện tinh tế nhất đã tựa vào hai chữ”hồn lau”. Để lưu lại một vẻ đẹp duyên dáng kì lạ của một loài cây nơi cao nguyên hoang dã,vương trên một”nẻo bến bờ” vừa xa xăm,vừa gần gũi,như thực lại như mơ. Một hồn lau gợi dáng lau nghiêng nghiêng tha thướt,một dáng người gợi vẻ đẹp cổ điển kì lạ. Những đường nét chấm phá mảnh mai hội tụ những nét tinh túy của Á Đông để hòa mà không lẫn vào cái bâng khuâng của một vùng sơn thủy. Nhưng khung cảnh không vì thế mà trở nên hiu hắt bởi sự xuất hiện sinh động của hình ảnh:
Trôi dòng nước lũ hoa đung đưa
Hoa và lũ,hai sự vật tưởng chừng trái ngược nhau mà nay lại nâng đỡ nhau theo một dòng chung của thi hứng,trong một chuyển động đầy lãng mạn và tình tứ:”đong đưa”. Nhẹ nhàng kết thúc bằng ba thanh không,những câu thơ như còn dìu dặt níu bước chân thi sĩ về một Châu Mộc đẹp đến ngỡ ngàng,mộng mơ đến ngây ngất.
Nhưng hình ảnh là trung tâm,đem lại nét hùng tráng cho miền Tây xa xôi kia phải và chỉ có thể là đoàn binh Tây Tiến. Những con người không hề nà trước khó khăn và thử thách của cuộc chiến chinh ác liệt. Quang Dũng không né tránh căn bệnh sốt rét rừng. Nhưng đoàn binh Tây Tiến,hơn lúc nào hết hiện ra đầy ngạo nghễ,cái ngạo nghễ của những con người nhìn đời qua lăng kính lãng mạn. Vì thế,phải là đoàn binh chứ không phải đoàn quân,không mọc tóc chứ nào phải tóc không mọc,đầy bất cần,hiên ngang. Và màu da xanh kia khiến cho hình ảnh đoàn quân như hòa vào lá rừng,đầy oai hùng,dữ dội:”dữ oai hùm”. Những câu thơ sau đưa người đọc đến cới thế giới bên trong những người lính Tây Tiến,thế giới mà rồi người đọc sẽ bắt gặp dày đặc mộng và mơ. Chỉ có điều đó là hai thái cực,hai ước muốn bổ sung và bồi đắp nhau khiến tâm hồn con người thêm đẹp và phong phú:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Ở câu thơ trên,đó là giấc mộng chiến binh,thỏa chí tâng bồng của người làm trai:”Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng”. Và như thế,nhất thiết phải được thể hiện qua đôi mắt trừng. Nhưng Quang Dũng còn muốn bay cao và xa hơn nữa khi muốn mang lí tưởng anh hùng vượt qua biên giới,thể hiện một hoài bão tung hoành bốn phương. Câu thơ sau lại mang đến một mơ ước khác,đẹp một vẻ đẹp bình dị và êm dịu hơn vì bản thân đối tượng mà”những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng” kia hướng đến rất khác. Đó là Hà Thành hoa lệ,là những nàng kiều,những người con gái đẹp,mang đến xúc cảm đầy chất lãng mạn và nhân văn,góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần cho người đi chinh chiến.
Nhưng không thể và quyết không trốn trách nhiệm hiện thực, Quang Dũng đã nhìn thẳng vào nỗi đau của cuộc chiến:sự hi sinh. Sự hi sinh mà thi nhân từng nhắc đến đầy cao ngạo,bất cần ở đoạn trước:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Nhưng lần này dữ dội và khốc liệt hơn:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Sự thực nghiệt ngã ấy vẫn nhuốm màu sắc lãng mạn. Xen lần những nấm mồ”rải rác” là “biên cương” và “viễn xứ”,những từ Hán Việt ít gặp gợi cảm giác trnag nghiêm. Phù hợp với khí phách của người anh hùng Tây Tiến:”Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Con người không tiếc khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời và hơn thế:tìm được cho mình một ý nghĩa lớn hơn tuổi trẻ:đầy sự hi sinh. Câu thơ cứ không nguôi gợi âm hưởng của “Tráng sĩ nhất khứ bất phục hoàn” vang dội bên bờ Dịch Thủy. Và vì thế,người đọc sẽ còn bắt gặp một hình ảnh rất đẹp của sự hi sinh quên mình:” Áó bào thay chiếu anh về đất”. Không phải ngẫu nhiên,trong một bối cảnh hiện đại,những câu thơ cứ man mác gợi đến phong vị cổ điển. Bởi hồn thơ Quang Dũng là thế,cái lãng mạn của một người ,của một tâm hồn nhìn đời qua xúc cảm bay bổng là thế. Chính vì vậy mà những câu thơ mới có vẻ đẹp riêng:một chút cổ thi,một chút mơ mộng,ngay cả sự hi sinh cũng là hi sinh lí tưởng của chiến binh:”da ngựa bọc thây”. Mặc khác,”anh về đất” là về với đất mẹ,về với cuộc sống vĩnh hằng,con người chói ngời trong ánh sáng vinh quang của sự bất tử. Câu thơ vì thế đẹp và hào hoa hơn. Anh ra đi nhưng nỗi đau thì vẫn còn lại,thấm vào đất rừng Tây Bắc,vào sông Mã thân thuộc. Con sông chung thủy gầm lên tiếng cuối cùng bi thiết,tiếng gầm của một khúc độc hành,trong nỗi đau lẻ bạn,tự thấy mình trơ trọi trở về xuôi. Nhưng đó là tiếng gầm đầy sức mạnh gợi cảm giác trầm hùng. Tượng đài người chiến sĩ Tây Tiến vì thế càng thêm cao cả.
Bài thơ kết thúc như đã từng mở đầu:bằng nỗi nhớ. Nỗi nhớ da diết khắp câu chữ và giờ lắng đọng trong tâm tư của nhân vật trữ tình. Xúc cảm lâng lâng,cao hơn và bâng khuâng hơn trong”người đi-không hẹn ước-thăm thẳm-chia phôi”. Miền Tây Bắc vì thế mà xa xăm hơn trong không gian và thời gian,trong tâm tưởng của con người. Chỉ còn lại một giai điệu nhung nhớ không cùng:
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi
Câu thơ như một khúc nhạc,một lời nhắn gửi tha thiết của tâm hồn:con người có thể xa nhưng núi rừng Tây Tiến,con người Tây Tiến vẫn mãi niềm nhớ,niềm thương da diết trong tâm hồn.
Cuốn theo hồn thơ Quang Dũng,Tây Tiến đối với người đọc đã không chỉ còn là sự lưu giữ những sự kiên,những địa danh có thể đã chìm vào quên lãng. Tây Tiến còn đó và mãi mãi còn đó như là minh chứng cho một quá khứ hào hùng gắn liền vơi một miền đất,một đoàn quân,cho một hồn thơ bi tráng và lãng mạn đến tận cùng.