Phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh

Bài văn mẫu: Phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh

Nhà thơ Tế Hanh viết thơ này khi ông mới 18 tuổi, đang độ Hoa niên (tên một tập thơ của chính tác giả). Lúc này Tế Hanh đang theo học ở Huế. Lòng trai 18 tuổi xa nhà, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cái làng chài ven biên nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, thế là các câu thơ tưởng nhở được thốt ra một cách tự nhiên, dung dị không cần phải có một cô gắng nào.

Thì câu thơ đầu tiên đấy thôi, cứ như là lời xưng danh, tự thuật rất đỗi tự nhiên và mộc mạc:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Con sông quê hương

Đã bắt đầu bằng cách xưng danh này, nhà thơ phải kể, phải tường thuật ra cái làng chài của mình. Câu thơ có tính thông báo tiếp theo cho thấy đây là một làng chài ở vùng cửa sông gần biển. Bằng hai càu thơ, và như thế là vừa đủ, tác giả lướt nhanh nội dung thông báo kể trên để đi vào miêu tả cảnh dân làng bơi thuyền đánh cá. Một buổi sáng đi biển của người dân chài trời trong gió nhẹ, sớm mai hồng, phải nói là một buổi sáng đẹp trời lí tưởng – vẻ đẹp tinh khôi, mát mẻ, dễ chịu, thoáng đãng, bao la sắc hồng của bình minh… Câu thơ tưởng như liệt kê chẳng có gì mà dựng lên được cả một không gian ban mai trên biển. Chỉ những người làm nghề chài lưới mới thấy hết được tầm quan trọng thiết yếu của nhưxng buổi đẹp trời – không chỉ báo hiệu một chuyến ra khơi yên lành, mà còn hứa hẹn những mẻ lưới bội thu. Trong cái quang cảnh dễ làm lòng người phấn khích ấy, đoàn trai tráng bơi thuyền ra khơi, bắt đầu một ngày lao động của mình. Làm cái nghề đánh cá nặng nhọc này, phải là những người khỏe mạnh, vạm vỡ ăn sóng nói gió mới có thế đảm đương nổi. Chỉ có những trai tráng mới có thể điều khiển nổi chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã, mới phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang được. Có thể nói đây là một chuyến ra khơi đầy hào hứng. Những câu thơ miêu tả trực tiếp cảnh dân làng ra khơi đánh cá có ý nghĩa như những chi tiết tả thực giúp người đọc hình dung được không gian, đoàn thuyền khá sinh động. Trên nền kể tả ấy xuất hiện hai câu thơ mang vẻ đẹp thật bất ngờ:

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió?

Cánh buồm là một vật cụ thể hữu tình, được ví với mảnh hồn làng là cái trừu tượng, vô hình – một cách ví von nhờ sự liên tưởng khá xa và độc đáo của mỗi tác giả. Mỗi một vùng quê sinh sống lâu đời dường như bao giờ cũng mang một hồn vía đó. Với chàng trai Tế Hanh 18 tuổi, hình ảnh chiếc buồm ra khơi hình như mang hơi thở, nhịp đập, hồn vía quê hương. Có một mảnh hồn làng neo đậu mãi trong tâm hồn thi sĩ. Hình ảnh cánh buồm Rướn thân trắng bao la thâu góp gió thật đẹp trong dáng vẻ cường tráng, sức vóc tung tỏa của nó. Hai câu thơ bỗng thoát khỏi sự kể tả cụ thể để diễn đạt một hình ảnh giàu ý nghĩa, đưa nó lên thành biểu tượng của tâm hồn. Chọn lấy thời điểm đoàn thuyền đánh cá trở về để miêu tả trong thơ là một khung cảnh sinh hoạt có ý nghĩa tiêu biểu nhất về cuộc sống của những cư dân làng chài ven biển. Một khung cảnh thật náo nức, thanh bình, mang dáng dấp vẻ ấm no xuất hiện: Ồn ào, tấp nập đón ghe về. Câu thơ Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe tựa như một lời cảm tạ trời đất đã chở che hào phóng đối với chuyến ra khơi đánh cá vừa rồi. Câu thơ rất thực nhưng mang trong lòng nó một ý nghĩa thiêng liêng. Mỗi lần đi biển là mỗi lần giáp mặt với thủy thần với tử thần với tử thần; có nghĩa là sự sống thật mong manh. Khi đó, ở bên bờ, những người mẹ, người vợ của đoàn trai tráng kia ngày đêm lo lắng, âm thầm khấn nguyện cho chồng con họ được an toàn trở về và thu hoạch cá được nhiều. Có hiểu được như thế mới thấy hết được niềm vui sướng của những người từ biển trở về và của những người ra đón họ. Câu thơ thật giản dị mà lại mang chiều sâu của một tâm lí cộng đồng, rất tiêu biểu cho đời sống tâm linh của một làng chài ven biển.

Trong khung cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về, hình ảnh những trai tráng sức vóc dạn dày sương gió, có làn da ngâm rám nắng kia được hiện lên qua những câu thơ thật đẹp. Cái nhìn của tác giả đã chộp được một khoảng khắc rất đắt chân dung những người dân chài lưới: Cả thân hình nồng thở vị xa xăm. Đó là những thể được tách ra từ biển, mang vị mặn mòi của biển, mang theo về cả những hương vị biển xa. Họ là những đứa con của biển khơi. Câu thơ thật lãng mạn, khoáng hoạt. Chân dung những người dân chài lưới hiện lên thật tầm vóc, có hình khối mà lại rất đặc trưng, chỉ người dân biển mới có được. Hai câu thơ tiếp theo dành để nói về những con thuyền neo đậu trên bến đỗ. Cụm từ im bến mỏi thật cô đúc, vừa nói được sự nghỉ ngơi thư giãn của con thuyền đi vất vả trở về, vừa nói được vẻ yên lặng nơi bến đỗ, một sự yên lặng thích thú sau một ngày náo động. Nhờ cụm từ này mà từ Nghe xuất hiện ngay sau đó ở câu dưới đã mang một ý nghĩa của biển khơi đang râm ran chuyển động dưới cơ thể mình. Hai câu thơ miêu tả con thuyền như một thể sinh thể sống. Nhưng nói về con thuyền, kì thực cũng để nói về con người cả thôi. Giờ đây những người dân chài có thể hoàn toàn yên tâm mà ngả mình mãn nguyện và lặng yên thư giãn. Cái dư vị của chuyến đi chỉ còn là đôi hình ảnh thấp thoáng, chập chờn trong tưởng tượng êm dịu của nó. Có thể nói trong khổ thơ này, tác giả viết nên nhiều câu thơ đẹp nhất.

Bốn câu thơ cuối, nhà thơ trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ về hình ảnh làng chài theo ấn tượng chung nhất: màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi, con thuyền rẽ sóng, và đặc biệt nhớ cái mùi nồng mặn quá. Nhớ đến cả cái mùi vị riêng biệt của thổ ngơi, tức là nỗi nhớ thật da diết và sâu sắc. Vâng, đó chính là mùi của biển cả, của sóng, của gió, của rong rêu, của cá, của cả cái vị mồ hôi trên lưng áo người đi biển… Cái mùi vị quen thuộc và thân thương đó cũng chính là một phần của hồn làng, của hồn vía quê hương.

Quê hương

Bài thơ trong trẻo từ đầu đến cuối. Đó là tấm lòng yêu nhớ quê hương của một lòng trai thuần hậu gắn bó với cuộc đời. Trong đời mỗi người đều có một quê hương để nhớ. Với Tế Hanh, cái làng chài lưới này đã trở thành nguồn thi cảm không vơi cạn. Cùng với bài thơ này ngày ấy, nhà thơ còn những Lời con đường quê, Một làng thương nhớ… với bao vui buồn thân thiết. Sau Cách mạng, khi sống giữa hai nửa yêu thương, Bắc – Nam xa cách, ông cũng lại đau đớn nhớ về cái làng quê ruột thịt ấy qua nhiều bài thơ, mà tiêu biểu nhất là Nhớ con sông quê hương. Người ta -thường hay nói ông là nhà thơ của quê hương sông nước, mà trong nhiều trường hợp, quê hương chỉ thu gọn về một cái làng chài lưới của riêng ông.

Thủy chung với một miền quê – một miền thơ như thế, nên trong rất nhiều giọng điệu thơ làng quê lúc bấy giờ như Nguyễn Bính, Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Vàn Cừ, và kể cả nhiều tác giả sau này, những vần thơ quê hương của Tế Hanh vẫn còn có một vẻ đẹp riêng độc đáo, hấp dẫn bạn đọc nhiều thế hệ.

Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *