Nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học

Nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học

Nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học đóng một vai trò quan trọng trong chương trình Ngữ Văn 9, nhằm giúp các em học sinh phát triển kỹ năng tư duy phản biện, khả năng nắm bắt và phân tích các vấn đề xã hội phức tạp qua lăng kính văn học.

Bài học không chỉ là cơ hội để các em thể hiện suy nghĩ và quan điểm của mình về các vấn đề xã hội đã được các nhà văn, nhà thơ phản ánh trong tác phẩm văn học, mà còn giáo dục các em về cách thức tiếp cận và đánh giá các vấn đề xã hội một cách sâu sắc và toàn diện.

Dưới đây là khái niệm và hướng dẫn cách làm bài nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học kèm ví cực chi tiết.

Mời các em tham khảo!

1. Khái niệm nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học

– Nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học là dạng để tích hợp giữa tác phẩm văn học và các vấn đề xã hội.

Nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học là dạng để tích hợp giữa tác phẩm văn học và các vấn đề xã hội
Nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học là dạng để tích hợp giữa tác phẩm văn học và các vấn đề xã hội

2. Đặc điểm

– Đây là kiểu bài nghị luận vấn đề xã hội chứ không phải là kiểu bài nghị luận văn học. Và vấn đề nghị luận là những vấn đề xã hội có ý nghĩa sâu sắc được đặt ra từ một tác phẩm văn học.

Ví dụ: Từ vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, em hãy nêu suy nghĩ của mình về lí tưởng sống của thanh niên hiện nay.

– Các vấn đề xã hội có thể rút ra từ một tác phẩm văn học trong chương trình sách giáo khoa nhưng cũng có thể là một câu chuyện, văn bản mà học sinh chưa từng học.

3. Dàn ý chung

* Mở bài

– Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm (nếu vấn đề nghị luận được rút ra từ một tác phẩm nằm trong chương trình học).

– Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận.

* Thân bài

– Phân tích vắn tắt văn bản để đúc rút ý nghĩa vấn đề cần nghị luận. – Nghị luận vấn đề xã hội được đúc rút từ tác phẩm, văn bản.

+ Giải thích vấn đề cần nghị luận (tùy vấn đề).

+ Phân tích, chứng minh, bàn luận (thực hiện thao tác tương tự như nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống hay nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí).

+ Mở rộng vấn đề nghị luận.

+ Bài học nhận thức và hành động (liên hệ bản thân).

* Kết luận

– Đánh giá ý nghĩa vấn đề xã hội trong tác phẩm.

4. Bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học mẫu

Bài văn mẫu 1

Trong “Bàn về đọc sách”, Chu Quang Tiềm có viết: “Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại”.

Từ đó, em có suy nghĩ gì về việc đọc sách của thế hệ trẻ ngày nay?

Hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận về vấn đề đọc sách của giới trẻ
Hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận về vấn đề đọc sách của giới trẻ

+ Gợi ý dàn bài

Đặt vấn đề – Nói về tầm quan trọng của việc đọc sách, Chu Quang Tiềm đã khẳng định: “… đọc sách là một con đường quan trọng của học vấn.”

– Tuy nhiên, việc đọc sách của giới trẻ ngày nay mặt tích cực vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Thực trạng – Mặt tích cực: Nhiều bạn trẻ yêu thích đọc sách, trấn trọng, nâng niu sách, tranh thủ mọi lúc mọi nơi để đọc sách. Họ coi đọc sách là một niềm say mê, một thú vui không thể thiếu trong cuộc sống. Bên cạnh những đầu sách trong nước, họ còn tìm kiếm các đầu sách nước ngoài, thuộc nhiều lĩnh vực để đọc. Nhờ văn hóa đọc mà họ có nền tảng kiến thức sâu rộng.

– Mặt tiêu cực:

+ Bên cạnh đó, đại đa số giới trẻ ngày nay đang thờ ơ với mang xã hội, việc đọc sách. Họ dành nhiều thời gian để lên lướt web, facebook và tìm nhiều trò chơi giải trí. Đặc biệt, khi được giao bài tập về nhà, thay vì tìm tòi tư liệu trong những cuốn sách, các bạn học sinh lên mạng xã hội để tra cứu đáp án. Trên đó, các bạn có thể tìm thấy thông tin một cách nhanh chóng, nhưng kiến thức không sâu, chưa kể đến việc kiến thức đó chưa được kiểm duyệt. Điều này gây ra một tình trạng báo động: học sinh lười đọc sách nhiều chữ. + Nếu được hỏi 3 cuốn sách gần đây nhất mà bạn từng đọc là gì, chắc chắn có không ít những cái lắc đầu cho qua. Một tháng, trung bình một người Nhật Bản đọc được vài chục cuốn sách. Còn ở Việt Nam, theo báo điện tử Vietnamnet đưa tin, một năm người Việt chỉ đọc được 4 đầu sách, chỉ bằng 1/5 lượng sách đọc được của người Nhật. Người Nhật tranh thủ đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc: đợi xe buýt, chờ máy bay,… Còn người Việt, thậm chí lúc chờ đèn đỏ giao thông, họ cũng lấy điện thoại di động ra lên mạng xã hội.

+ Giới trẻ ngày nay thích đọc sách mang tính giải trí như truyện tranh, truyện ngôn tình,… mà ít đọc sách về văn hóa, lịch sử, khoa học, kĩ năng,… Nếu có dịp ghé qua hội chợ sách, ta chỉ thấy các gian hàng truyện tranh là thu hút số người tham gia đông nhất.

+ Nhiều bạn trẻ cố tỏ ra mình thích đọc sách, yêu sách. Với họ, đọc sách chỉ như một thứ đồ trang sức, khoe khoang để nhận được sự khen ngợi. Họ đọc sách mà không biết ứng dụng vào thực tế,…

+ Giới trẻ ngày nay khó khăn trong việc lựa chọn sách hay. Một phần, vì họ không hiểu mình cần gì ở những cuốn sách, chọn sách chỉ a dua theo số đông. Một phần là trên thị trường, cuốn sách nào cũng được trình bày bắt mắt, nhan đề hấp dẫn, quảng cáo rầm rộ, sách được sản xuất ồ ạt mà không quan tâm đến chất lượng,… Người đọc bị “nhiễu” thông tin nên khó chọn được cuốn sách hay.

Nguyên nhân – Do sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Đặc biệt, giới trẻ là đối tượng rất dễ bắt nhịp với cái mới lạ, thích làm theo số đông, họ cũng chưa đủ chín chắn để phân biệt cái nền và không nên làm.

– Nhiều bạn trẻ với lịch học trên lớp, lịch làm việc quá dày đặc, không có thời gian dành cho việc đọc sách.

– Do nhà trường, xã hội, gia đình chưa tạo được hứng thú đọc sách cho các bạn trẻ.

– Do sự lười biếng của bản thân.

Hậu quả – Văn hóa đọc xuống thấp dẫn tới hậu quả giới trẻ thiếu hụt kiến thức khoa học, văn hóa, xã hội. Lâu dần, đất nước ta sẽ lạc hậu, yếu kém. Những người không có trình độ học thức sẽ trở thành vấn nạn, áp lực cho xã hội.

– Thế giới tâm hồn trở nên hạn hẹp, gây ra căn bệnh vô cảm.

– Hạn chế sự phát triển ngôn ngữ.

Biện pháp khắc phục – Tổ chức ngày hội đọc sách, hội thảo giới thiệu sách hay, các buổi trò chuyện định hướng cách đọc sách đúng.

– Nhà trường, các bậc cha mẹ giao bài tập đọc sách cho học sinh.

– Quản lí, kiểm duyệt chặt chẽ các đầu sách được xuất bản ra thị trường.

– Bản thân mỗi người nên có ý thức đọc sách,…

Liên hệ bản thân – Đọc sách rất quan trọng. Đó là con đường ngắn nhất để lĩnh hội kiến thức.

– Tăng cường đọc sách, mở rộng các loại sách về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống….

Bài văn mẫu 2

Trần Quốc Hoàn – Thầy giáo dạy học ngồi xe lăn

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thành cổ Quảng Trị, thầy giáo Trần Quốc Hoàn bị liệt nửa người, đôi chân không thể đi lại được. Vượt qua trăm ngàn khó khăn, thương bố mẹ đã chịu nhiều vất vả, anh đã quyết tâm học tập. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, anh quyết định ở nhà mở lớp học để dạy cho những đứa trẻ nghèo nơi mình sống. Một lớp học đặc biệt, không bảng, không phấn mà chỉ là hai dãy bàn ghế gỗ và chiếc xe lăn và được mở ra hoàn toàn miễn phí. Cứ thế, trong suốt nhiều năm qua, không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã từ đây mà bước tới giảng đường đại học. Không chỉ là một người thầy giỏi, anh còn được biết đến là một vận động viên thể thao với nhiều thành tích đáng nể: 12 huy chương vàng, 19 huy chương bạc và 8 huy chương đồng tại các giải thể dục thể thao người khuyết tật.

Em có suy nghĩ gì về tấm gương anh Trần Quốc Hoàn

+ Gợi ý dàn bài

Mở bài Trong xã hội, không thiếu những kẻ mải chơi, chỉ biết hưởng thụ, than thân trách phận và sống dựa dẫm vào người khác. Thế nhưng cũng có những con người khuyết tật, dù cuộc sống không may mắn, họ vẫn vươn lên để sống đẹp, sống có ý nghĩa như những bông hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời. Câu chuyện về anh Trần Quốc Hoàn – thầy giáo dạy học ngồi xe lăn làm ta thật xúc động.
Thân bài – Suy nghĩ về những khó khăn của anh Trần Quốc Hoàn

+ Anh sinh ra trên mảnh đất còn nhiều khó khăn, gian khổ.

+ Ngay từ nhỏ, anh đã thiệt thòi hơn biết bao người. Anh bị liệt nửa người, đi lại thật khó khăn. Đối với người bình thường, cuộc sống mưu sinh đã vô cùng khó nhọc; đối với một người tàn tật như anh lại càng khó hơn.

+ Trong điều kiện ấy, thông thường, con người sẽ buồn bã, chán nản, tuyệt vọng và phải sống dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

– Suy nghĩ về nghị lực của anh Trần Quốc Hoàn:

+ Vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, anh Hoàn quyết tâm học tập – với một nghị lực phi thường. Anh không để số phận đánh bại ý chí của bản thân. Trong xã hội, có biết bao bạn trẻ có điều kiện học tập tốt, có bố mẹ lo lắng, có thầy cô chỉ dạy mà còn bỏ bê, chán ghét việc học. Còn anh, anh đến trường với đôi chân không lành lặn, nhưng ý chí và lòng quyết tâm thật phi thường. Điều đó thật đáng cho chúng ta học tập, noi theo.

– Suy nghĩ về việc làm của anh Trần Quốc Hoàn:

+ Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, anh Hoàn đã trở thành một thầy giáo giỏi. Anh không chỉ dạy cho học sinh kiến thức mà còn là tấm gương về nghị lực.

+ Anh mở lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo. Lớp học của anh thật đơn sơ: không bảng, không phấn, chỉ có hai bàn ghế gỗ và chiếc xe lăn. Lớp học nghèo nhưng ấm áp tình thương. Đứng trên bục giảng là anh – một con người giàu lòng yêu thương. Trong xã hội, có nhiều người lừa lọc, tham lam tiền bạc. Còn anh, dù khó khăn, anh vẫn giúp đỡ người khác. Tấm lòng của anh thật đáng quý. Nhờ có anh mà biết bao thế hệ học trò đã đến được bến bờ tri thức. Anh đã biến ước mơ giảng đường đại học của biết bao người trở thành hiện thực. Anh làm việc thiện nguyện ấy lặng lẽ, âm thầm mà không cần người khác phải biết tới, phải ngợi ca.

+ Không chỉ vậy, anh Hoàn còn là một vận động viên thể thao với nhiều thành tích đáng nể.

– Anh đã sống một cuộc đời đẹp, ý nghĩa. Anh giống như một ngọn cỏ mộc mạc, giản dị, đơn sơ, khắc khổ nhưng giàu nghị lực sống. Càng khó khăn, anh càng thành công.

– Anh là một tấm gương để chúng ta học tập, noi theo.

– Bài học cho bản thân:

+ Luôn biết trân trọng những gì chúng ta đang có.

+ Luôn biết vươn lên, sống có nghị lực.

+ Luôn vui vẻ, yêu đời và suy nghĩ lạc quan.

+ Biết yêu thương mọi người xung quanh ta,…

Kết bài Khẳng định lại ý nghĩa của tấm gương anh Trần Quốc Hoàn.

Bài văn mẫu 3

Trong bài thơ “Nói với con”, Y Phương đã viết về phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình:

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục.

Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ mải mê chạy theo văn hóa nước ngoài mà thờ ơ, lãng quên các phong tục, tập quán truyền thống. Từ hiện tượng đó, em hãy viết đoạn văn với chủ đề: Giới trẻ và văn hóa truyền thống.

+ Gợi ý dàn bài

Đặt vấn đề – Từ ngàn xưa, cha ông ta đã xây dựng nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc. Là thế hệ sau, chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc đó. Tuy nhiên, hiện nay, thái độ, cách ứng xử của giới trẻ với văn hóa truyền thống bên cạnh mặt tích cực vẫn đang tồn tại nhiều nhức nhối.
Giải thích – Văn hóa truyền thống: là những phong tục, tập quán, những giá trị tinh thần tốt đẹp đã được hình thành, phát triển và lưu giữ từ ngàn đời xưa đến nay. Nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức, trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

Ví dụ: Phong tục thờ cúng ông bà, tổ tiên; trên kính dưới nhường; ngày Tết làm bánh chưng; hay các làn điệu dân ca quan họ, hát ru,…

– Văn hóa truyền thống là bản sắc riêng của đất nước ta, là yếu tố khẳng định độc lập chủ quyền,… Bởi vậy, chúng ta cần giữ gìn, bảo tồn.

Hiện trạng – Mặt tích cực: Nhiều bạn trẻ am hiểu, tích cực gìn giữ văn hóa truyền thống. Họ sống và làm theo phong tục của người Việt. Họ yêu tiếng Việt, say mê học nhạc cụ dân tộc Họ quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam ra thế giới,…

– Mặt tiêu cực:

+ Nhiều bạn trẻ sùng văn hóa ngoại, từ lời nói, cách ăn mặc đến phong cách sinh hoạt đều học tập văn hóa nước ngoài.

+ Nhiều bạn trẻ thích nhạc điện tử, thuộc nhiều bài hát quốc tế nhưng khi được hỏi về các bài hát dân ca, câu ca dao tục ngữ, các loại hình nghệ thuật truyền thống thì không hề biết.

+ Tết cổ truyền, các bạn chỉ thích đi du lịch nước ngoài, không muốn ăn Tết ở trong nước. Thậm chí, nhiều bạn không biết đến bánh chưng, không thích đi chúc Tết.

+ Giới trẻ thi nhau đi học tiếng Anh và cho rằng việc học tiếng Việt không quan trọng. Các bạn quay lưng lại với các tác phẩm văn học của dân tộc.

Nguyên nhân – Do cuộc sống hiện đại, xu thế hội nhập nên các bạn trẻ được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

– Do các bạn trẻ luôn thích và tìm tòi những điều mới mẻ.

– Do gia đình, nhà trường và xã hội chưa có những hành động thiết thực để giáo dục giới trẻ về văn hóa truyền thống.

Biện pháp – Tổ chức các hoạt động cho giới trẻ tiếp xúc với văn hóa truyền thống: tổ chức trò chơi dân gian, gói bánh chưng dịp Tết,…

– Tăng cường sự giáo dục trong gia đình.

Liên hệ bản thân – Tìm hiểu, học tập văn hóa truyền thống.

– Tiếp nhận yếu tố văn hóa nước ngoài có chọn lọc, hòa nhập mà không hòa tan.

Nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học là một phần không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển kỹ năng sống, kỹ năng xã hội và nhận thức văn hóa cho học sinh. Qua đó, giáo dục học sinh trở thành những công dân có trách nhiệm, biết quan tâm và đóng góp cho xã hội.

Để học tốt hơn môn Ngữ Văn và các môn học trọng tâm lớp 9 khác, các em nên tham khảo những cuốn sách sau của Tkbooks:

Làm chủ kiến thức Ngữ Văn 9 luyện thi vào 10

Link đọc thử: https://drive.google.com/file/d/1z6Dg5pus-NfXGc3lIow9lmj__GqoIlHq/view

Làm chủ kiến thức Toán 9 luyện thi vào 10

Link đọc thử: https://drive.google.com/file/d/1uaOJCek1Mpmm-UbFU3hEIVzQ0P6PPaoC/view

Sổ tay kiến thức Toán Văn Anh lớp 9

Link đọc thử: https://drive.google.com/file/d/1mNe5p9rbgE57L5_O9s-rI6qeTYFaiMRm/view

Tkbooks tự hào là nhà xuất bản sách tham khảo cho học sinh THCS hàng đầu tại Việt Nam!

Tkbooks.vn

Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *