Soạn văn 9 luyện tập làm bài văn nghị luận về tác phẩm truyện là một kỹ năng quan trọng, giúp học sinh phát triển khả năng phân tích, suy luận và biểu đạt ý kiến một cách logic và rõ ràng.
Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến cách thức chuẩn bị và triển khai bài văn nghị luận về tác phẩm truyện trong quá trình học Soạn văn 9, cùng những gợi ý và bước tiến cụ thể giúp học sinh cải thiện kỹ năng viết văn một cách hiệu quả.
Mời các em tham khảo!
1. Nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích là gì?
Nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích là trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về nhân vật, sự kiện, chủ đề hay nghệ thuật của một tác phẩm truyện/ đoạn trích cụ thể.
2. Đặc điểm của bài văn nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích
– Nghị luận về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm hoặc đoạn trích.
– Nghị luận về một phương diện, khía cạnh của nội dung và nghệ thuật trong một tác phẩm hoặc đoạn trích.
* Ví dụ: Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là một câu chuyện cảm động về tình cha con trong hoàn cảnh éo le. Em hãy phân tích tác phẩm để làm sáng tỏ nhận định trên.
3. Các bước làm bài nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích
Cho đề bài : Suy nghĩ về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân.
+ Tìm hiểu để và tìm ý
– Đề yêu cầu nêu những suy nghĩ về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân : Cần nêu được tình yêu làng quyện với lòng yêu nước ở nhân vật này, một nét rất mới trong đời sống tinh thần của người nông dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
– Khi tìm ý cho bài văn, nên suy nghĩ theo các câu hỏi : Cái gì là nét nổi bật nhất ở nhân vật ông Hai ? Tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai được bộc lộ trong tình huống nào ? Tình cảm ấy có đặc điểm gì ở hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ (thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp) ? Những chi tiết nghệ thuật nào chứng tỏ một cách sinh động, thú vị tình yêu làng và lòng yêu nước ấy (về tâm trạng, về cử chỉ, hành động, lời nói,…) ?
+ Lập dàn bài
a) Mở bài : Giới thiệu truyện ngắn Làng và nhân vật ông Hai – nhân vật chính của tác phẩm, một trong những nhân vật thành công bậc nhất của văn học thời kì kháng chiến chống Pháp.
b) Thân bài: Triển khai các nhận định về tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai và nghệ thuật đặc sắc của nhà văn.
– Tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai là tình cảm nổi bật, xuyên suốt toàn truyện :
+ Chi tiết đi tản cư nhớ làng.
+ Theo dõi tin tức kháng chiến.
+ Tâm trạng khi nghe tin đồn làng Chợ Dầu theo Tây.
+ Niềm vui khi tin đồn được cải chính.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật :
+ Chọn tình huống tin đồn thất thiệt để thể hiện nhân vật.
+ Các chi tiết miêu tả nhân vật.
+ Các hình thức trần thuật (đối thoại, độc thoại,…).
c) Kết bài : Sức hấp dẫn của hình tượng nhân vật. Thành công của nhà văn khi xây dựng nhân vật ông Hai.
+ Viết bài
a) Mở bài
Nên giới thiệu ngắn gọn truyện ngắn Làng và nhân vật ông Hai, đặc biệt cần nếu lên được vấn đề mình sẽ phân tích : tình yêu làng và lòng yêu nước – vẻ đẹp nổi bật của nhân vật ông Hai được nhà văn thể hiện sinh động trong truyện ngắn này. Có thể mở bài theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn:
– Đi từ khái quát đến cụ thể (từ nhà văn đến tác phẩm và nhân vật) :
Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Kim Lân là một gương mặt đội đảo. Do hoàn cảnh sống của mình, ông am hiểu sâu sắc sinh hoạt, tâm lí của người nông dân. Kim Lân được xem là nhà văn của nông thôn, của người dân quê Việt Nam với những vẻ đẹp mộc mạc mà đậm đà. “Làng” là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của Kim Lân. Tác phẩm này được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện một cách sinh động vẻ đẹp của tình yêu làng, lòng yêu nước ở người nông dân. Ai đến với “Làng”, chắc khó quên được ông Hai – một nhân vật nông dân mang những nét đẹp thật đáng yêu qua ngòi bút khắc hoạ tài tình của Kim Lân.
– Nêu trực tiếp những suy nghĩ của người viết :
Tình yêu làng, sự gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn vốn là một tình cảm sâu nặng ở con người Việt Nam nói chung, đặc biệt ở người nông dân nói riêng. Lịch sử văn học dân tộc từng xây dựng thành công nhiều nhân vật mang tình cảm đáng quý ấy. Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân là một trong những trường hợp tiêu biểu như thế.
b) Thân bài
Lần lượt trình bày các luận điểm về nhân vật ông Hai theo dàn bài. Trong quá trình viết phần này, cần chú ý:
– Nêu rõ các nhận xét, ý kiến của mình về tình yêu làng, lòng yêu nước của nhân vật ông Hai, về cách thể hiện đặc sắc của Kim Lân.
– Ở từng luận điểm, cần có sự phân tích, chứng minh cụ thể, chính xác bằng những dẫn chứng trong tác phẩm (về tâm trạng, suy nghĩ, về lời nói, cử chỉ, hành động ; về thái độ của ông Hai đối với các nhân vật khác,…).
– Giữa các luận điểm, đoạn văn cần có sự liên kết, chuyển tiếp.
c) Kết bài
Ông Hai trong “Làng” là một nhân vật tạo ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Qua truyện ngắn này, bằng những tình huống, chi tiết chân thực, thú vị, bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí sinh động, Kim Lân đã đem đến cho chúng ta một hình tượng hấp dẫn về người nông dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tình yêu thiết tha, sự gắn bỏ sâu nặng với làng quê, đất nước của nhân vật ông Hai luôn luôn có ý nghĩa giáo dục thấm thía đối với các thế hệ bạn đọc.
+ Đọc lại bài viết và sửa chữa
Đọc lại các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài xem có phù hợp với vấn đề nghị luận, với dàn bài không, giữa các phần có sự liên kết hợp lí chưa. Sửa chữa bài viết cho hoàn chỉnh.
4. Bài văn nghị luận về tác phẩm truyện mẫu
Bài mẫu số 1
Nếu cảm nhận của em về đoạn trích sau:
Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ theo dõi mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.
Quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Đầu này có vẽ hai vòng tròn màu vàng. Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặc là mặt trời nung nóng.
(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi, Ngữ văn 9, tập hai Nhà xuất bản Giáo dục, 2015)
Gợi ý dàn bài
Mở bài | – Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích:
+ Nhà văn Lê Minh Khuê: Cây bút chuyên viết về truyện ngắn. Lê Minh Khuê làm thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mĩ. Với trải nghiệm cuộc sống chiến trường, nhà văn có những trang viết rất chân thực, sinh động về cuộc sống chiến đấu của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. + “Những ngôi sao xa xôi” là một trong những tác phẩm thành công của Lê Minh Khuê. Truyện được sáng tác năm 1971, lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, gay go. “Những ngôi sao xa xôi” như một bài ca ca ngợi tinh thần kháng chiến anh dũng và vẻ đẹp tâm hồn của những nữ thanh niên xung phong. + Đoạn trích khắc họa khung cảnh và tâm trạng của nhân vật Phương Định phá bom. |
Thân bài | – Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, Phương Định xung phong ra mặt trận, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Cuộc sống chiến trường nhiều khó khăn, hiểm nguy đã tôi luyện ở Phương Định lòng quả cảm, không sợ hi sinh. Tâm lí của Phương Định trong một lần phá bom được miêu tả rất chi tiết ở trong đoạn trích.
– Đoạn văn khắc họa khung cảnh và không khí căng thẳng, nguy hiểm của việc phá bom: Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ… Tác giả đã sử dụng những câu trần thuật đơn ngắn, với nhịp điệu dồn dập, tạo không khí căng thẳng. – Phương Định có nét tâm lí con gái. Mặc dù đây là một công việc rất quen thuộc nhưng không tránh khỏi những hồi hộp, căng thẳng: Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? – Sự dũng cảm của Phương Định được kích thích bởi lòng tự trọng. Cảm giác như có ánh mắt của các anh chiến sĩ dõi theo, Phương Định không đi khom mà dõng dạc, đường hoàng, ngẩng cao đầu bước tới quả bom. Tác giả đã sử dụng nghệ thuật độc thoại nội tẩm để cho thấy những nét biến chuyển tinh vi trong tâm trạng nhân vật. Thông qua đó, nhà văn khắc họa phẩm chất anh dũng, kiên cường, hiên ngang của người nữ thanh niên xung phong khi đối diện với cái chết. – Đối diện với quả bom, cận kể với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của con người cũng trở nên sắc nhọn: Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Nhà văn đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác bằng các từ ngữ sắc sảo để nhấn mạnh sự nguy hiểm của công việc phá bom, cũng như cảm nhận tinh tế của Phương Định. – Bằng kinh nghiệm, Phương Định thấy vỏ quả bom đang nóng lên, một dấu hiện chẳng lành. Bỏ qua những khó khăn, nguy hiểm, Phương Định tự giục mình làm nhanh hơn để hoàn thành công việc. Phương Định không nghĩ tới cái chết, không màng tới sự sống, điều CÔ quan tâm nhất là làm sao hoàn thành tốt được công việc. Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm rất cao với công việc của nhân vật. – Nghệ thuật: Câu trần thuật đơn, câu rút gọn, nhịp ngắt dồn dập, nghệ thuật độc thoại nội tâm, phân tích tâm lí nhân vật độc đáo, tạo tình huống kịch tính, điểm nhìn của tác giả hòa lẫn vào điểm nhìn tâm trạng của nhân vật để tạo nên không khí căng thẳng, hiểm nguy và khắc họa tâm lí Phương Định. Thông qua đó, ta thấy rõ phẩm chất anh dũng, kiên cường của nhân vật. Đó là phẩm chất tiêu biểu cho thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ. |
Kết bài | – Phương Định là một hình tượng đẹp, tiêu biểu cho thế hệ thanh niên trong thời kì kháng chiến. Chúng ta yêu mến, cảm phục và luôn biết ơn vì sự hi sinh lớn lao của họ. |
Bài mẫu số 2
Sau khi tổ chức duyệt binh, vua Quang Trung tập hợp binh sĩ và nói với họ lời phủ dụ:
Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Bắc, phương Nam chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc, không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ, các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc. Ở các thời ấy, Bắc, Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu đời. Từ đời nhà Đinh tới đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia. Mọi việc lợi, hại, được, mất ấy đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi. Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn. Chớ có quen thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra, sẽ bị giết chết ngay tức khắc, không tha một ai, chớ bảo là ta không nói trước.
(Hoàng Lê nhất thống chí – Ngô gia văn phái)
Lời dụ trên đề cập tới nội dung gì? Em hãy phân tích để làm rõ những nội dung đó trong một đoạn văn ngắn.
Gợi ý dàn bài
Bài làm của em cần đạt được những nội dung cơ bản sau:
– Sau khi tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế, Quang Trung Nguyễn Huệ đốc thúc đội quân tiến ra Bắc Hà. Ra đến Nghệ An, ông cho kén lính và tổ chức duyệt binh, rồi nói lời phủ dụ.
– Nội dung lời phủ dụ:
+ Nguyễn Huệ khẳng định chủ quyền của dân tộc: Đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng. Lời dụ của Quang Trung khiến ta liên tưởng đến bài thơ Nam quốc sơn hà:
Nam quốc sơn hà Nam đến cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Và bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi:
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Khẳng định độc lập chủ quyền dân tộc, Quang Trung muốn khơi gợi lòng yêu nước trong mỗi binh sĩ.
+ Nguyễn Huệ lên án, tố cáo hành động xâm lăng phi nghĩa, trái đạo trời của quân Thanh, nêu lên tội ác của quân giặc, và tâm của chúng: bụng dạ ắt khác, cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân ta, vợ vét của cải,… Quang Trung muốn khơi gợi trong quân sĩ lòng căm thù giặc, ý chí quyết tâm đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
+ Quang Trung nhắc lại truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta ở nhiều triều đại khác nhau: Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ,…
+ Cuối cùng, Quang Trung kêu gọi quân lính đồng tâm hiệp lực, ra kỉ luật nghiêm minh để xác lập một kỉ cương chặt chẽ, góp phần tạo nên sức mạnh quân đội.
– Mục đích nói lời dụ: Để cho binh sĩ hiểu: Trận đánh này là vì độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ sự yên bình của quốc gia, tuyệt nhiên không vì ngôi đế vương của một ai. Muốn vậy, tất cả binh sĩ phải đồng lòng, quyết tâm đánh giặc.
Bài mẫu số 3
Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng (Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2011) của nhà văn Kim Lân khi nghe tin làng mình theo giặc.
Gợi ý dàn bài
Mở bài | – Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật ông Hai.
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tâm trạng của nhân vật ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. |
Thân bài | Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai
– Khi nghe tin làng theo giặc, ông bàng hoàng, sững sờ: Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân, tưởng như không thở được. Đó là cái tin vượt quá sức tưởng tượng của ông, chưa bao giờ ông dám nghĩ đến. Nó đến với ông quá bất ngờ, khiến ông đau đớn. – Ông nghi ngờ, chưa tin, hỏi lại: Có thật không hở bác? Hay là chỉ lại… Nhưng khi cái tin ấy được khẳng định từ chính miệng những người dân tản cư, ông không thể không tin được nữa. Người ta nói làng Chợ Dầu theo Tây cũng như là đang nói chính ông vậy. Từ lúc đó, tâm trạng ông bị ám ảnh, day dứt với mặc cảm mình là kẻ phản bội. Ông đánh trống lảng ra về Hà, nắng gồm, về nào… Trên đường ông cứ cúi gằm mặt xuống mà đi. Ông tủi hổ, và dường như không muốn để ai nhìn thấy mình. – Về đến nhà, ông tủi thân, nằm vật ra giường. Nhìn lũ trẻ đang chơi, ông thương con. Chúng nó còn quá nhỏ, chúng nó vô tội. Rồi đây cuộc sống của chúng sẽ ra sao, vì chẳng ai người ta chứa kẻ theo Tây phản bội đất nước. – Ông sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, xấu hổ, nhục nhã. Cứ nghe thấy bên ngoài xì xào, thoáng nghe thấy tiếng Tây, Việt gian, cam nhông là ông lủi ra một góc nhà, nín thịt. Thậm chí, đêm ông trằn trọc, lo âu không ngủ được. – – Ông đau khổ, tủi hờn, xấu hổ khi mụ chủ nhà đánh tiếng đuổi người làng Chợ Dầu, đuổi gia đình ông đi nơi khác. Ông lo lắng rồi đây sẽ mang con cái, gia đình đi đâu. Ai người ta chứa? – Ông Hai bị đẩy vào đường cùng, tâm trạng vô cùng bế tắc, tuyệt vọng. Trong nội tâm, ông luôn đấu tranh, giằng xé giữa hai sự lựa chọn: Về làng hay đi theo kháng chiến Nhưng ý nghĩ về làng vừa nhen nhóm, ông đã gạt phắt đi. Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ, sẽ trở thành kẻ phản bội, trở thành nô lệ cho Tây, phải chịu kiếp nô lệ lầm than đánh mất danh dự và lòng tự trọng. Cuối cùng ông đi đến một quyết định dứt khoát mà đau đớn: Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù. Tình yêu nước đã bao trùm, vượt lên tình yêu làng. – Dù quyết định như vậy, song cũng không thể vứt bỏ tình yêu với làng Chợ Dầu. Trong lúc đau đớn, tuyệt vọng, không thể chia sẻ với ai, ông tâm sự với đứa con út, cũng là tự nói với chính lòng mình, khẳng định tấm lòng chung thủy của mình với kháng chiến. – Diễn biến tâm trạng ông Hai được khắc họa một cách tinh tế, sinh động. Tác giả sử dụng nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật, đối thoại, độc thoại, xen lẫn với độc thoại nội tâm. Tâm trạng của nhân vật được bộc lộ qua các ý nghĩ, hành động, nét mặt, cử chỉ, ngôn ngữ đậm chất nông dân. Điều đó chứng tỏ Kim Lân phải am hiểu sâu sắc tâm lí, tình cảm của người nông dân. – Tấm lòng yêu làng, yêu nước của ông Hai là điển hình cho tình yêu làng, yêu nước của những người nông dân trong kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ. |
Kết bài | – Khẳng định sự yêu quý, tôn trọng đối với tinh thần yêu nước, yêu làng của nhân vật.
– Khẳng định sự thành công của tác phẩm và tài năng của nhà văn Kim Lân. |
Như vậy, việc luyện tập làm bài văn nghị luận về tác phẩm truyện trong môn Soạn văn 9 không chỉ giúp học sinh rèn luyện kỹ năng viết văn mà còn phát triển khả năng tư duy logic và sáng tạo.
Qua quá trình này, họ có cơ hội khám phá sâu hơn về nội dung, ý nghĩa và cấu trúc của các tác phẩm văn học, từ đó cải thiện khả năng phân tích và suy luận. Hy vọng rằng thông qua việc áp dụng những kỹ thuật và bước tiến đã đề cập, các em sẽ trở thành những người viết văn tài năng và sáng tạo trong tương lai.
Để học tốt hơn môn Ngữ Văn và các môn học trọng tâm lớp 9 khác, các em nên tham khảo những cuốn sách sau của Tkbooks:
Làm chủ kiến thức Ngữ Văn 9 luyện thi vào 10
Link đọc thử: https://drive.google.com/file/d/1z6Dg5pus-NfXGc3lIow9lmj__GqoIlHq/view
Làm chủ kiến thức Toán 9 luyện thi vào 10
Link đọc thử: https://drive.google.com/file/d/1uaOJCek1Mpmm-UbFU3hEIVzQ0P6PPaoC/view
Sổ tay kiến thức Toán Văn Anh lớp 9
Link đọc thử: https://drive.google.com/file/d/1mNe5p9rbgE57L5_O9s-rI6qeTYFaiMRm/view
Tkbooks tự hào là nhà xuất bản sách tham khảo cho học sinh THCS hàng đầu tại Việt Nam!