I. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM VỀ PHÁP LUẬT VÀ ĐỜI SỐNG
Học sinh cần nắm được một số nội dung cơ bản sau (tham khảo thêm sách giáo khoa):
* Pháp luật là hệ thống các qui tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện bằng quyền lực Nhà nước.
– Bản chất của pháp luật: Pháp luật vừa mang bản chất giai cấp, vừa mang bản chất xã hội.
* Mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức:
– Trong hàng loạt quy phạm pháp luật luôn thể hiện các quan niệm về đạo đức có tính phổ biến, phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội, nhất là pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, văn hóa, xã hội, giáo dục.
– Pháp luật là một phương tiện đặc thù để thể hiện và bảo vệ các giá trị đạo đức.
– Những giá trị cơ bản nhất của pháp luật: công bằng, bình đẳng, tự do, lẽ phải… cũng là những giá trị đạo đức cao cả mà con người luôn hướng tới.
* Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội:
– Pháp luật là phương tiện để Nhà nước quản lý xã hội.
– Pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
II. KIẾN THỨC MỞ RỘNG, NÂNG CAO
Định nghĩa pháp luật
Do những nguyên nhân khác nhau, cho đến nay nhiều người vẫn thường nghĩ rằng pháp luật chỉ là những điều cấm đoán, là sự hạn chế tự do cá nhân, là việc xử phạt…, từ đó hình thành trong một bộ phận dân cư thái độ e ngại, xa lạ với pháp luật, coi pháp luật chỉ là việc của Nhà nước. Để có những kiến thức và thái độ, tình cảm đúng đắn với pháp luật, cần nhấn mạnh: Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước xây dựng, ban hành và bảo đảm thực hiện bằng quyền lực của Nhà nước. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức nào đó vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm minh, kể cả bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, pháp luật không chỉ là những điều cấm đoán mà pháp luật bao gồm các quy định về những việc được làm, phải làm và không được làm. Mục đích xây dựng và ban hành pháp luật của Nhà nước chính là để quản lý đất nước, bảo đảm cho xã hội ổn định và phát triển, bảo đảm các quyền tự do dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân.
Các đặc trưng của pháp luật
– Pháp luật có tính quy phạm phổ biến vì pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự, là những khuôn mẫu, được áp dụng ở mọi nơi, đối với mọi tổ chức, cá nhân và trong mọi mối quan hệ xã hội. Đây chính là ranh giới để phân biệt pháp luật với các loại quy phạm xã hội khác của các tổ chức chính trị – xã hội, bởi vì các quy phạm xã hội chỉ được áp dụng đối với tổ chức của mình nên nó không có tính quy phạm như quy phạm pháp luật.
– Pháp luật có tính quyền lực, tính bắt buộc chung. Trong xã hội có phân chia thành giai cấp và các tầng lớp xã hội khác nhau đều luôn tồn tại những lợi ích khác nhau, thậm chí đối kháng nhau. Nhà nước, với tư cách là tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, thực hiện các chức năng quản lý nhằm duy trì trật tự xã hội phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội. Nhà nước là đại diện cho quyền lực công, vì vậy, pháp luật do Nhà nước ban hành mang tính quyền lực, tính bắt buộc chung, nghĩa là bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân, bất kì ai vi phạm cũng đều bị xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật. Đây chính là đặc điểm để phân biệt sự khác nhau giữa pháp luật với quy phạm đạo đức, bởi vì việc tuân theo quy phạm đạo đức chủ yếu dựa vào tính tự giác của mọi người, ai vi phạm thì bị dư luận xã hội phê phán, còn ai vi phạm pháp luật sẽ bị xử lí theo các quy phạm pháp luật tương ứng. Việc xử lí này thể hiện quyền lực Nhà nước và mang tính cưỡng chế (bắt buộc).
– Ngoài ra, pháp luật còn có tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức. Do hình thức thể hiện của pháp luật là các văn bản có chứa các quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Văn bản này được gọi là văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản này đòi hỏi diễn đạt phải chính xác, một nghĩa để người dân bình thường đọc cũng hiểu được đúng và thực hiện chính xác các quy định pháp luật; nội dung của các văn bản cấp dưới ban hành (có hiệu lực pháp lý thấp hơn) không được trái với nội dung của văn bản do cơ quan cấp trên ban hành (có hiệu lực pháp lý cao hơn). Nội dung của tất cả các văn bản đều phải phù hợp, không được trái với Hiến pháp vì Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Yêu cầu này nhằm tạo nên sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bản chất của pháp luật
Pháp luật vừa mang bản chất giai cấp, vừa mang bản chất xã hội. Sẽ là sai lầm, cực đoan nếu chỉ có quan niệm một chiều, tuyệt đối hóa bản chất giai cấp của pháp luật mà không biết đến bản chất xã hội của nó đã và đang được thể hiện rõ nét trong thực tế. Ngược lại, nếu quá nhấn mạnh về bản chất xã hội mà xóa nhòa bản chất giai cấp thì sẽ rơi vào trạng thái mơ hồ, ảo tưởng về bản chất của pháp luật.
Mối quan hệ giữa pháp luật với kinh tế, chính trị, đạo đức:
– Quan hệ giữ pháp luật với kinh tế:
Pháp luật là một trong các yếu tố của kiến trúc thượng tầng xã hội, được sinh ra trên cơ sở các quan hệ kinh tế (cơ sở hạ tầng) và được quy định bởi các quan hệ kinh tế. Trong mối quan hệ với kinh tế, pháp luật có tính độc lập tương đối, vừa phụ thuộc vào kinh tế, lại vừa có thể tác động trở lại đối với kinh tế. Sinh ra từ các điều kiện kinh tế, nhưng pháp luật không phản ánh một cách thụ động các quan hệ kinh tế, mà có tác động ngược lại các quan hệ kinh tế theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.
– Quan hệ giữa pháp luật với chính trị: Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế trong mối quan hệ qua lại giữa các tầng lớp, giai
cấp trong hoạt động của Nhà nước. Do đó, đường lối chính trị của giai cấp cầm quyền trước hết thể hiện trong các chính sách kinh tế và được Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật (nội dung của chính sách kinh tế thể hiện dưới hình thức các văn bản quy phạm pháp luật). Mặt khác, trong một xã hội đa dạng, đa tầng về lợi ích kinh tế, chính trị thể hiện mối tương quan giai cấp. Do đó, Nhà nước phải căn cứ vào sự đối sánh lực lượng giữa các giai cấp để ghi nhận về mặt pháp lí và bảo hộ bằng pháp luật các quyền và lợi ích cơ bản của các cá nhân, cộng đồng, các tầng lớp xã hội khác nhau.
– Quan hệ giữa pháp luật với đạo đức:
Trong xã hội có giai cấp tồn tại nhiều quan niệm, quy tắc đạo đức khác nhau, trong đó, pháp luật, một mặt luôn thể hiện quan điểm đạo đức chính thống của giai cấp cầm quyền, mặt khác,
không thể không phản ánh những quan niệm, chuẩn mực ứng xử của những tầng lớp xã hội, những cộng đồng dân cư khác nhau, đặc biệt là những quan niệm đạo đức mang tính truyền thống dân tộc sâu sắc. Chính yếu tố đạo đức trong nội dung pháp luật làm cho pháp luật trở nên gần gũi hơn, dễ được người dân chấp nhận và tuân thủ một cách tự nguyện hơn.
Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội
– Vai trò của pháp luật đối với Nhà nước: Trong sách giáo khoa đã phân tích kĩ vai trò của pháp luật là công cụ để Nhà nước quản lí xã hội và cách thức để Nhà nước quản lí xã hội (thông qua các quá trình làm ra pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật). Bên cạnh vai trò phản ánh ý chí, vai trò công cụ của pháp luật, cần lưu ý đến vai trò kiến thiết của pháp luật đối với Nhà nước và xã hội. Một hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện, đồng bộ, thống nhất và phù hợp là cơ sở tin cậy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quyền lực Nhà nước, củng cố độ tin cậy và uy tín của Nhà nước trong mối quan hệ với công dân, với xã hội và với các quốc gia khác trên trường quốc tế.
– Vai trò của pháp luật đối với công dân: Pháp luật không chỉ là công cụ để Nhà nước ghi nhận, khẳng định các quyền, lợi ích và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà còn là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước mọi sự xâm phạm, kể cả những vi phạm từ phía cơ quan, công chức Nhà nước.
Trong Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, quan hệ giữa Nhà nước và công dân là mối quan hệ trách nhiệm pháp lý qua lại, trên cơ sở pháp luật và được bảo đảm bằng pháp luật.
Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng và bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Ngược lại, Nhà nước có quyền yêu cầu công dân phải thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội, trong trường hợp công dân không thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình, Nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế do pháp luật quy định để buộc công dân phải thay đổi cách ứng xử của mình và khắc phục các hậu quả do hành vi trái pháp luật gây ra. Chỉ khi cả hai mặt của mối quan hệ pháp lý này được thực thi, pháp luật mới thực sự làm tròn được vai trò điều chỉnh và kiến tạo của mình trong đời sống xã hội.
III. LUYỆN TẬP
Ví dụ 1. Tại sao lại cần phải có pháp luật?
A. Vì pháp luật là phương tiện để Nhà nước quản lý xã hội.
B. Vì pháp luật là phương tiện để Nhà nước trấn áp tội phạm.
C. Vì pháp luật là phương tiện để Nhà nước bảo vệ công dân trong mọi trường hợp.
D. Vì pháp luật là công cụ để Nhà nước bảo vệ các giá trị đạo đức.
Đáp án A.
– Lưu ý: để trả lời tốt dạng câu hỏi mang tính ôn tập kiến thức sách giáo khoa yêu cầu nắm
vững các khái niệm trong sách giáo khoa, cụ thể ở đây là khái niệm pháp luật.
Ví dụ 2. Đâu không phải là đặc trưng của pháp luật ?
A. Tính quy phạm phổ biến.
B. Tính nhân văn.
C. Tính quyền lực bắt buộc chung.
D. Tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức.
Đáp án B.
– Yêu cầu nắm chắc kiến thức sách giáo khoa và khi trả lời lưu ý từ không trong câu hỏi để
tránh nhầm lẫn với các đặc trưng của pháp luật.
Ví dụ 3. Văn bản nào dưới đây là văn bản quy phạm pháp luật?
A. Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
B. Điều lệ Đảng viên.
C. Luật Đất đai.
D. Nội quy nhà trường X.
Đáp án C.
– Lưu ý: Các đáp án khác chưa đúng bởi Điều lệ Đảng viên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nội quy nhà trường không mang tính bắt buộc chung đối với mọi cá nhân, tổ
chức trong xã hội mà chỉ áp dụng với đối tượng cụ thể tương ứng như đảng viên, đoàn viên và học sinh trường X. Còn Luật Đất đai áp dụng với mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội nên được coi là văn bản quy phạm pháp luật. Để trả lời tốt cần căn cứ vào các đặc trưng của pháp luật.
Xem thêm:
- 15 đề văn đọc hiểu văn bản ôn thi THPT Quốc Gia (phần 2)
- 15 đề văn đọc hiểu văn bản ôn thi THPT Quốc Gia (phần 1)