Gợi ý giải đề thi thử môn Ngữ Văn THPT quốc gia ngày 20-3-2017

Giáo viên – Thạc sĩ Phạm Hữu Cường giảng dạy tại Trung tâm Luyện thi Thầy Cường đã đưa ra gợi ý đáp án đề thi thử môn Ngữ Văn THPT quốc gia 2017 tại Hà Nội như sau. Mời các em theo dõi:\

Đề bài thi thử môn Ngữ Văn THPT quốc gia ngày 20-3-2017:

de_thi_thu-mon-van-thpt-quoc-gia-ngay-20-3-2017-1 de_thi_thu-mon-van-thpt-quoc-gia-ngay-20-3-2017-2

Gợi ý giải đề thi thử môn Ngữ Văn THPT quốc gia ngày 20-3-2017

Phần 1:

Mỗi thí sinh có thể đưa ra cách trình bày và cảm nhận khác nhau, tuy nhiên vẫn cần làm nổi bật được các ý chính sau:

Câu 1: Bài thơ thuộc thể thơ tự do

Câu 2: Bài thơ sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa

Câu 3: Từ trái nghĩa trong bài thơ là “khóc” – “cười”; từ này diễn tả tinh tế niềm sung sướng hạnh phúc lớn lao của Bác khi tìm ra con đường cứu nước, cứu dân.

Câu 4: Đoạn trích trên cho thấy công lao vĩ đại của Bác Hồ đối với đất nước. Bác là người đã tìm ra con đường cứu nước, đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin vào Việt Nam, đã mang lại cơm áo, hạnh phúc cho dân, cho nước.

Phần 2:

Câu 1: Học sinh có thể có những cách trình bày và cảm nhận khác nhau, song cần làm nổi bật được các ý sau:

Để đáp lại tiếng gọi của non sống đất nước trong thời kì mới, thế hệ trẻ cần:

– Nỗ lực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để trở thành người có ích cho đất nước, cho nhân dân.
– Cần cù, sáng tạo trong lao động, dám nghĩ, dám làm, biết làm giàu chính đáng, góp phần giúp đất nước thêm giàu mạnh.
– Nên cao tinh thần dân tộc Việt, dũng cảm đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, chống tham những, lãng phí…

Ads by AdAsia

– Sẵn sàng hiến dâng sức lực và cuộc sống của mình để bảo vệ nền độc lập tự do và sự toàn vẹn về lãnh thổ của đất nước.

Câu 2:

Học sinh có thể có những cách trình bày và cảm nhận khác nhau, song cần làm nổi bật được các ý sau:

1. Vài nét về tác giả và tác phẩm:

– Là nhà văn suốt đời “thiết tha truy tìm cái thật, cái đẹp” (Điếu văn Nguyễn Tuân – Nguyễn Đình Thi), Nguyễn Tuân đã để lại nhiều tác phẩm đặc sắc in đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật độc đáo, uyên bác, tài hoa như Vang bóng một thời (1940), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972)…
– Tuỳ bút Người lái đò sông Đà ban đầu có tên “Sông Đà”, là kết quả của nhiều dịp Nguyễn Tuân đến với Tây Bắc trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là kết quả chuyến đi khảo sát, thực tế Tây bắc năm 1958. Tác phẩm in trong tập Sông Đà (1960).

2. Giải thích vắn tắt nhận định:

– Nhận định trên cho thấy, nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Tuân thường là những tính cách độc đáo, vượt lên trên và khác hẳn người thường (Huấn Cao, ông lái đò…)
– Thiên nhiên trong văn Nguyễn Tuân cũng thường là những cảnh tượng hùng vĩ, dữ dội, tuyệt mĩ, nên có thể nói, Nguyễn Tuân là nhà văn luôn say mê những điều độc đáo, những cảm giác mạnh.

3. Phân tích đoạn trích để làm sáng tỏ nhận định:

– Bằng cái nhìn từ góc độ hội họa, điêu khắc, Nguyễn Tuân đã đặc tả thành công cảnh những vách đá hùng vĩ, cao ngất, dựng đứng hai bên Sông Đà: “Đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đứng ngọ mới có mặt trời.”, “có chỗ vách đá thành chẹt lòng sông như một cái yết hầu”, “có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ bên này sang bờ bên kia”,“Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh.”. Đó đúng là cảm giác của một người đang đi thuyền trên sông, thấy choáng ngợp trước cái hùng vĩ, cao ngất của vách đá bên Sông Đà.

– Niềm say mê cảm giác mạnh còn thôi thúc Nguyễn Tuân tập trung đặc tả hai quãng sông hung bạo nhất của Sông Đà:

+ Đó là cảnh mặt ghềnh Hát Loóng “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, tất cả những gì tĩnh tại ở quãng sông này cũng bỗng trở nên sống động, dữ dội, đáng sợ.
+ Đặc biệt, quãng Sông Đà ở Tà Mường Vát với những cái hút nước giống như cái bẫy nham hiểm mà Sông Đà đã giăng sẵn để mai phục những con thuyền:

● Từng âm thanh của tiếng nước réo nơi hút xoáy như “nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc.”, “nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”… đều được nhà văn cảm nhận và khắc họa rõ nét.
● Những cái hút xoáy ấy đã đánh tan xác nhiều con thuyền: “Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”. Các hình ảnh độc đáo, ngôn ngữ sắc sảo góc cạnh…đều góp phần miêu tả chính xác cái dữ dội, nham hiểm của hút xoáy sông Đà, đồng thời in đậm dấu ấn sáng tạo riêng của một bậc thầy ngôn ngữ.
● Nguyễn Tuân còn tưởng tượng ra cảnh một người bạn quay phim táo tợn mang theo máy quay, ngồi trong thuyền thúng, xuống tới tận đáy của hút xoáy mà quay ngược lên để truyền cho người xem những ấn tượng chân thực nhất về cái hung bạo, dữ dội của hút xoáy Sông Đà. Việc sử dụng nhiều thành tựu nghệ thuật của điện ảnh để xây dựng hình tượng văn học như thế cũng là một nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

Kết luận:

Đoạn văn trên cho thấy Nguyễn Tuân đúng là nhà văn luôn say mê những điều độc đáo, không ưa những gì bằng phẳng, nhợt nhạt, yên ổn mà thường say mê những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, những phong cảnh tuyệt mĩ như núi cao, rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội.

Với đáp án gợi ý giải đề thi thử môn Ngữ Văn THPT quốc gia ngày 20-3-2017 ở trên chúc các em ôn thi và làm bài tốt!

Xem thêm:

TKBooks

Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *