Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ sẽ hướng dẫn các em cách phân tích cũng như giúp các em hiểu sâu hơn về ý nghĩa và vẻ đẹp của thơ ca.
Qua bài viết này, Tkbooks muốn giới thiệu đến các em cách tiếp cận một bài nghị luận thơ ca một cách có hệ thống và sâu sắc. Mời các em tham khảo!
1. Khái niệm nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
– Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là trình bày nhận xét, đánh giá của mình về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy.
2. Đặc điểm
– Với dạng nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ thường có các cách ra đề với những đặc điểm như sau:
+ Dạng bài phân tích toàn bộ bài thơ: Người ra đề ra thường lựa chọn những khía cạnh nổi bật của bài thơ.
Ví dụ: Phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.
+ Dạng bài phân tích một đoạn thơ: Người ra đề sẽ lựa chọn một đoạn thơ đặc sắc nhất trong một bài thơ.
Ví dụ: Em hãy viết đoạn văn nêu cảm nhận của mình về khổ thơ đầu tiên trong bài thơ “Sang thu” (Hữu Thỉnh) để thấy được một tâm hồn đặc biệt tinh tế khi trước thời khắc giao mùa từ hạ sang thu.
+ Dạng bài phân tích một hình ảnh trong đoạn thơ, bài thơ: Hình ảnh được lựa chọn phải giàu ý nghĩa biểu tượng.
Ví dụ: Ba câu kết trong bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu với hình ảnh “Đầu súng trăng treo” là một bức tranh đẹp về tình đồng chí, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ. Em hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 12 câu phân tích hình ảnh đặc sắc đó.
+ Đối với dạng để so sánh giữa hai đoạn thơ, bài thơ. Hai ngữ điệu được lựa chọn phải có nét tương đồng.
Ví dụ: Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ Thanh Hải có viết:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
có những điểm gặp gỡ trong tư tưởng với nhà thơ Tố Hữu trong bài Một khúc ca xuân:
Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu nhỉ nhận riêng mình?
Em hãy so sánh hai khổ thơ trên để thấy được những điểm gặp gỡ của hai nhà thơ.
3. Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
+ Các bước làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
Cho đề bài : Phân tích tình yêu quê hương trong bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh.
a) Tìm hiểu đề và tìm ý
Đề bài yêu cầu phân tích những biểu hiện của tình yêu quê hương trong bài thơ Quê hương của Tế Hanh. Để thực hiện đúng yêu cầu ấy, trước tiên cần tìm hiểu về bài thơ :
– Đọc kĩ bài thơ để xác nhận tình yêu quê hương cùng những biểu hiện của nó.
– Bài thơ được sáng tác vào thời gian nào, ở địa điểm nào, trong tâm trạng như thế nào ?
Từ đó trả lời các câu hỏi:
+ Trong cách xa, nhà thơ nhớ về quê hương như thế nào ? Hình ảnh làng quê hiện lên trong nỗi nhớ của Tế Hanh có những đặc điểm và vẻ đẹp gì ?
+ Bài thơ có các hình ảnh, câu thơ nào gây ấn tượng sâu sắc đối với em ? Ngôn từ, giọng điệu của Quê hương có gì đặc sắc ?
Từ việc tìm hiểu kĩ bài thơ Quê hương, có thể khái quát thành những luận điểm nào về tình yêu quê hương trong bài thơ ?
b) Lập dàn bài
– Mở bài: Giới thiệu bài thơ Quê hương, nêu ý kiến khái quát của mình về tình yêu quê hương trong bài thơ.
– Thân bài: Phân tích tình yêu quê hương trong bài thơ :
+ Khái quát chung về bài thơ : Một tình yêu tha thiết, trong sáng, đậm chất lí tưởng, lãng mạn.
+ Cảnh ra khơi : Vẻ đẹp trẻ trung, giàu sức sống, đầy khí thế vượt trường giang.
+ Cảnh trở về : Đông vui, no đủ, bình yên.
+ Nỗi nhớ : Hình ảnh đọng lại : vẻ đẹp, sức mạnh, mùi nồng mặn của quê hương.
– Kết bài: Cả bài thơ là một khúc ca quê hương tươi sáng, ngọt ngào. Nó là sản phẩm của một hồn thơ trẻ trung, tha thiết, đầy mơ mộng.
c) Viết bài
Dựa vào dàn bài đã lập, viết thành bài văn hoàn chỉnh. Trong quá trình viết, cần chú ý tới sự liên kết giữa các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài ; chú ý tới cách dẫn dắt, chuyển tiếp giữa các luận điểm.
d) Đọc lại bài viết và sửa chữa
Đọc lại bài để sửa các lỗi diễn đạt, chính tả (nếu có).
4. Bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ mẫu
Bài mẫu số 1
Nêu cảm nhận của em về ước nguyện cống hiến của tác giả được thể hiện trong đoạn thơ sau:
Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
(Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)
Gợi ý dàn bài
Mở bài |
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ. |
Thân bài |
– Tác giả muốn hóa thân thành con chim, hoa để dâng hiến cuộc đời mình, làm đẹp cho quê hương, đất nước. Hòa ca: Tác giả coi cuộc sống này là một bản hòa ca muốn màu, muôn sắc. Tác giả muốn hòa mình vào cuộc sống chung của mọi người.
– Điệp từ Ta làm, ta làm, kết hợp với sự thay đổi đại từ tôi sang ta nhấn mạnh ước nguyện cống hiến, muốn hòa nhập cái tôi cá nhân vào cái ta chung của cộng đồng. Ước nguyện ấy luôn thường trực, khát khao đến cháy bỏng trong tâm hồn nhà thơ. – Trong bản hòa ca cuộc đời, tác giả chỉ muốn mình làm một nốt trầm bé nhỏ. Hình ảnh nốt trầm ẩn dụ cho ước nguyện cống hiến thầm lặng, không cần ai biết tới, không cần được ngợi ca. Đó là lẽ sống đẹp, cao cả nhưng rất khiêm nhường. – Mùa xuân nho nhỏ: Hình ảnh ẩn dụ cho ước nguyện cống hiến. Mùa xuân là tuổi trẻ, tài năng, nhiệt huyết- tất cả những gì tốt đẹp nhất, tinh túy nhất của đời người mà tác giả muốn hiến dâng cho cuộc đời chung với tất cả tấm lòng thành kính. Ước nguyện ấy thật cao cả, lớn lao. Thế nhưng, tác giả chỉ coi đó là mùa xuân nho nhỏ. Mùa xuân của đời người hòa chung vào mùa xuân của cộng đồng, đất nước. Đó là cách nói rất giản dị, khiêm nhường nhưng vô vàn ý nghĩa. – Từ lặng lẽ được đảo lên đầu câu để nhấn mạnh ước nguyện thầm lặng, không phô trương, ồn ào. – Tuổi hai mươi: tuổi trẻ của đời người; tóc bạc: hình ảnh hoán dụ tượng trưng cho tuổi già. Điệp từ, điệp cấu trúc Dù là… Dù là… kết hợp với các hình ảnh hoán dụ cho thấy ước nguyện cống hiến bền bỉ của cả đời người, không lúc nào ngơi nghỉ. Dù còn trẻ hay đã về già, lúc nào tác giả cũng muốn cống hiến cho đời. Tác giả có một lẽ sống đẹp, cao cả, bắt nguồn từ tình yêu người, yêu đời. Lẽ sống ấy thật đáng cho chúng ta học tập, noi theo. |
Kết bài |
– Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ. |
Bài mẫu số 2
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc đủ cho ta giật mình.
(Ánh trăng – Nguyễn Duy)
Gợi ý dàn bài
Mở bài |
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích. |
Thân bài |
– Cuộc gặp gỡ giữa người với trăng:
+ Từ mặt (1) gợi ra hình ảnh con người. Từ mặt (2) là mặt trăng. Trăng có hình hài, gương mặt giống như con người. Trăng là người bạn của tuổi thơ, người bạn trong quá khứ nghĩa tình. + Mặt nhìn mặt: gợi ra cuộc gặp gỡ, đối diện đàm tâm, lặng lẽ, không lời. Con người đi từ bóng tối ra ánh sáng. – Con người đối diện với vầng trăng như đối diện với quá khứ, gợi lên trong lòng nhân vật biết bao cảm xúc; cũng là đối diện với chính lòng mình. + rưng rưng: sự xúc động, nghẹn ngào, như muốn khóc. + đồng, sông, bể, rừng: hình ảnh của tuổi thơ, của kỉ niệm mà bấy lâu con người đã lãng quên. Các hình ảnh này kết hợp với phép điệp: như là… như là… gợi ra và nhấn mạnh dòng cảm xúc đang ào ạt, cuộn xoáy, dâng lên trong lòng nhân vật. + Từ cứ kết hợp với từ láy vành vạnh gợi ra hình ảnh vầng trăng tròn đầy. Trăng là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, cho sự tròn đầy, thủy chung, vĩnh hằng. + Cụm từ kể chi góp phần khẳng định: trăng vẫn thủy chung, son sắt dù con người có lãng quên, vô tình, đổi thay. + im phăng phắc: gợi ra cái nhìn vừa nghiêm khắc, vừa bao dung, đủ khiến cho con người giật mình. + giật mình: giật mình nhận ra lối sống bạc bẽo, vô tình; giật mình để thấy mình cần thay đổi, để hoàn thiện hơn. Đó là cái giật mình đẩy nhân văn. Đồng thời, nó cũng nhắc nhở con người về lối sống ân nghĩa thủy chung, đạo lí uống nước nhớ nguồn. |
Kết bài |
– Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ. |
Bài mẫu số 3
Cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên giao mùa trong bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh?
Gợi ý dàn bài
Mở bài |
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
+ Hữu Thỉnh: là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ hiện đại, với những cảm nhận vô cùng tinh tế. Ông viết nhiều về những con người, cảnh vật ở nông thôn, đặc biệt là mùa thu. Thờ ông nhẹ nhàng, mang cảm xúc bâng khuâng, vấn vương trước cảnh vật đất trời nhưng cũng rất sâu lắng. + “Sang thu”: được sáng tác vào năm 1977, khi tác giả tham gia trại sáng tác ở một làng ngoại ô Hà Nội. |
Thân bài |
– Khổ 1: Những tín hiệu vào thu
+ Mùa thu là đề tài quen thuộc trong thi ca. Nếu Xuân Diệu cảm nhận thu bằng Rặng liễu đìu hịu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng; mùa thu của Lưu Trọng Lư với Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô; mùa thu của thi ca trung đại có cây ngô đồng, lá vàng mơ phai, hoa cúc, trời xanh ngắt,… thì Hữu Thỉnh lại cảm nhận mùa thu bằng một làn hương. Đó là tín hiệu mong manh, mơ hồ, thật khó để nắm bắt. Tứ thơ được khơi gợi từ một làn hương, vừa mới mẻ, lại vừa quen thuộc, gần gũi với mỗi người dân Việt Nam. + Hương ổi: mùi hương đặc trưng của miền quê đồng bằng Bắc Bộ, nhẹ nhàng, bay bổng – sứ giả của mùa thu. Nó đến một cách thật khẽ, thật êm, phải vô cùng tinh tế mới nhận ra được. + Phả: Hương ổi không tỏa, không thổi mà là phả vào trong gió se. Động từ phả được đảo lên đầu câu để nhấn mạnh sự hòa quyện bay bổng, nhẹ nhàng – một quá trình xâm lấn mới chớm bắt đầu giữa hương ổi và gió se. Hương ổi phải thơm, phải nồng nàn thì mới có thể phả trong gió. Điều đặc biệt, không phải gió đưa hương bay xa, mà là hương ổi chủ động phả vào trong gió se. + Gió se: cơn gió khổ mang hơi lạnh đặc trưng của mùa thu. Nó không chỉ làm cho khí thu mát mẻ mà còn làm cho cảnh thu thật bay bổng, thơ mộng. + Sương: Làn sương mỏng manh, mềm mại, giăng mắc trong những con ngõ của làng quê. Làn sương được nhân hóa thông qua từ chùng chình. Sương thu như chất chứa biết bao nỗi niềm tâm trạng, như chờ đợi ai, lưu luyến ai mà ngập ngừng chưa muốn bước qua cửa ngõ của thời gian. Mùa hạ – mùa thu dường như có một ranh giới rõ ràng. Để rồi, làn sương ngập ngừng chưa muốn bước mùa thu. – Tác giả cảm nhận những tín hiệu vào thu bằng nhiều giác quan: khứu giác, xúc giác, thị giác. Những dấu hiệu vào thu thật đặc trưng nhưng rất mong manh, mơ hồ. – Hình như thu đã về: Một chút hoài nghi, một chút bâng khuâng, nhưng cũng là tiếng reo vui đầy ngỡ ngàng. Thu đến thật khẽ, thật êm, bất ngờ, không báo trước, làm con người ngất ngây. Ta thấy dường như Hữu Thỉnh đã chờ đợi thu đến từ rất lâu rồi. – Không gian làng quê chớm thu thật thanh bình, yên ả. Tâm hồn nhà thơ nhạy cảm, thiết tha giao hòa với thiên nhiên và cuộc sống. – Khổ 2: Sự biến chuyển của thiên nhiên lúc giao mùa + Thiên nhiên sang thu được cảm nhận cụ thể hơn, rõ nét hơn, nhiều tầng bậc hơn. Sự biến chuyển của thiên nhiên từ hạ sang thu rất nhẹ nhàng mà rõ rệt. + Sông được nhân hóa qua cụm từ được lúc dềnh dàng. Dòng sông quê hương ăm ắp nước, không ồn ào, chảy xiết như mùa hạ. Vào thu; dòng sông chảy êm đềm, nhẹ nhàng, lững lờ. Dường như, dòng sông đã chờ đợi mùa thu từ rất lâu. Để rồi, mới chớm thu, thu còn chưa rõ, sống đã được lúc. Nhịp điệu chảy dềnh dàng của dòng sông không chỉ gợi ra vẻ êm dịu của bức tranh thiên nhiên mà còn mang đầy tâm trạng của con người. Dòng sông cũng như những người nhiều trải nghiệm, đã bước qua thời tuổi trẻ ồn ào, ngược xuôi, để giờ đây sống yên bình, êm ả, chậm rãi, như trễ nải, như nghĩ suy về cuộc đời. + Chim bắt đầu vội vã: Chúng cảm nhận được cái lành lạnh phảng phất trong từng đợt gió se. Bởi vậy, chúng vội vã di trú về phương Nam tránh rét. Cánh chim bay mang theo tâm trạng vội vã, cuống quýt, gấp gáp, náo động. Câu thơ gợi hình ảnh, nhưng lại thấp thoáng âm thanh. – Hai sự vật với hai trạng thái đối lập, ngược chiều nhau: sống dưới mặt đất, chim trên bầu trời, sống dềnh dàng chậm rãi còn chim lại vội vã, gấp gáp. + Ý thơ đồng thời gợi cho người đọc một liên tưởng thú vị: Phải chăng, sự chuyển động của dòng sông, của cánh chim phải chăng là sự chuyển mình của đất nước. Chúng ta bước ra từ chiến tranh tàn khốc, để giờ đây được sống yên bình, êm ả. Nhưng rồi, người dân Việt Nam lại bắt đầu nhịp sống hối hả, nhộn nhịp để bắt tay vào xây dựng đất nước. + Đám mây được nhân hóa qua từ vắt: gợi dáng vẻ mềm mại, bay bổng, đám mây như chiếc khăn voan bồng bềnh, ai đó thả trôi lững lờ trên bầu trời. Đám mây vắt nửa mình, sang hån như còn lưu luyến, bịn rịn mùa hạ, chưa muốn mùa thu. Hai mùa thu – hạ như có một ranh giới thật rõ ràng và đám mây là một chiếc cầu nối hai mùa. Bước đi chậm rãi, từ từ của đám mây cũng là nhịp chuyển động của thời gian, của đất trời vào thu. Cái hay của Hữu Thỉnh là lấy không gian để nói thời gian, lấy cái hữu hình để nói cái vô hình. Trong thực tế, khoảnh khắc giao mùa thật khó để nhận thấy. Thế nhưng, bằng cảm nhận tinh tế, Hữu Thỉnh đã hữu hình hóa bước đi của thời gian, khiến cho khoảnh khắc thu vừa nhẹ nhàng, tinh tế, bay bổng, nên thơ, sang vừa rõ nét hơn. – Cả ba hình ảnh là tín hiệu mùa thu sang. Chúng vẫn còn vương vấn chút gì đó của cuối hạ. Tầm quan sát của nhà thơ được mở ra theo cả chiều cao, chiều dài và chiều rộng. Sự cảm nhận của tác giả rất tinh tế. – Khổ 3: Những suy tư, chiêm nghiệm của nhà thơ + Các từ: vẫn còn, vơi dần, bớt gợi ra hình ảnh thiên nhiên đã có sự thay đổi rõ rệt hơn. Vẫn còn nắng, nhưng không phải cái nắng chói chang, gay gắt của mùa hạ, mà là cái nắng trong, yếu ớt của mùa thu. Không còn những cơn mưa rào chợt đến rồi chợt đi. Trong những cơn mưa, không còn nghe thấy sấm. Tác giả như đo từng cơn nắng, đếm từng cơn mưa,… để thấy rõ sự thay đổi của đất trời lúc sang thu. + Không chỉ miêu tả bức tranh thiên nhiên vào thu, Hữu Thỉnh còn suy ngẫm mùa thu của đời người. Sấm là hình ảnh ẩn dụ cho những vang động bất thường của ngoại cảnh, những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Còn hàng cây đứng tuổi là ẩn dụ cho lớp người từng trải. Đối với họ, những tháng ngày sôi nổi, bất thường của tuổi trẻ đã khép lại, để mở ra một cuộc sống yên tĩnh, bình tâm, chín chắn. Họ không còn lo lắng trước nhiều biến cố của cuộc đời. Họ giàu bản lĩnh, kinh nghiệm để có thể vượt qua phong ba bão táp. Bởi thế, sấm không còn bất ngờ nữa. Phải chăng, đó còn là niềm tin về tương lai đất nước? Dân tộc ta đã anh dũng buớc qua mọi cuộc chiến tranh cam go, ác liệt. Chúng ta đủ bản lĩnh, sức mạnh để không sợ hãi trước mọi kẻ thù. – Sang thu không chỉ là sự chuyển giao của đất trời mà còn là sự chuyển giao cuộc đời con người, đất nước. Bài thơ đi vào những cảm nhận, chiêm nghiệm thật sâu lắng. |
Kết bài |
Khẳng định lại giá trị của bài thơ. |
Hi vọng rằng bài hướng dẫn Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ ở trên sẽ giúp các em tự tin hơn khi làm bài văn này cũng như đạt điểm cao hơn ở môn Ngữ Văn trên lớp.
Để học tốt hơn môn Ngữ Văn và các môn học trọng tâm lớp 9 khác, các em nên tham khảo những cuốn sách sau của Tkbooks:
Làm chủ kiến thức Ngữ Văn 9 luyện thi vào 10
Link đọc thử: https://drive.google.com/file/d/1z6Dg5pus-NfXGc3lIow9lmj__GqoIlHq/view
Làm chủ kiến thức Toán 9 luyện thi vào 10
Link đọc thử: https://drive.google.com/file/d/1uaOJCek1Mpmm-UbFU3hEIVzQ0P6PPaoC/view
Sổ tay kiến thức Toán Văn Anh lớp 9
Link đọc thử: https://drive.google.com/file/d/1mNe5p9rbgE57L5_O9s-rI6qeTYFaiMRm/view
Tkbooks tự hào là nhà xuất bản sách tham khảo cho học sinh THCS hàng đầu tại Việt Nam!