Các biện pháp tu từ thường gặp và tác dụng của chúng

Các biện pháp tu từ thường gặp và tác dụng của chúng

Các biện pháp tu từ xuất hiện trong tất cả các tác phẩm văn học trong chương trình THPT. Để hiểu thêm về các biện pháp tu từ , tác dụng và cách sử dụng chúng sao cho hiệu quả, các em hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Tkbooks nhé!

I. Biện pháp tu từ là gì?

Biện pháp tu từ là cách sử dụng ngôn ngữ theo một cách đặc biệt ở một đơn vị ngôn ngữ (về từ, câu, văn bản) trong một ngữ cảnh nhất định nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt và tạo ấn tượng với người người độc về một hình ảnh, một cảm xúc, một câu chuyện trong tác phẩm.

II. Tác dụng của biện pháp tu từ

–  Các biện pháp tu từ thường gặp sẽ tạo nên những giá trị đặc biệt trong biểu đạt và biểu cảm hơn so với việc sử dụng ngôn ngữ thông thường.

III. Các biện pháp tu từ thường gặp:

  • So sánh
  • Nhân hóa
  • Ẩn dụ
  • Hoán dụ
  • Nói quá, phóng đại, khoa trương, ngoa dụ, thậm xưng, cường điệu
  • Nói giảm, nói tránh
  • Điệp từ, điệp ngữ
  • Chơi chữ
  • Liệt kê
  • Tương phản

1. Biện pháp tu từ so sánh

1.1. Khái niệm

Biện pháp tu từ so sánh là đối chiếu hai hay nhiều sự vật, sự việc mà giữa chúng có những nét tương đồng, nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời văn.

Biện pháp tu từ so sánh
Biện pháp tu từ so sánh

1.2. Cấu tạo

– Trong phép so sánh có ít nhất hai sự vật, sự việc được so sánh với nhau, gọi là A, B (A là sự vật, sự việc được so sánh; B là sự vật, sự việc dùng để so sánh). A, B có thể là sự vật – vật, người – người, sự vật – người, cái trừu tượng – cái cụ thể.

– Từ ngữ so sánh đặt ở giữa A và B, cũng có khi bị ẩn đi.

Ví dụ:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Trong đó, A (công cha, nghĩa mẹ) là cái trừu tượng, B (núi Thái Sơn, nước trong nguồn) là cái cụ thể. Phép so sánh nhằm nhấn mạnh công lao to lớn, vĩ đại của cha mẹ.

1.3. Các mô hình của phép so sánh

a) A là/như B

Ví dụ: “Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng.

(Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân)

– A: trông con sông

– B: thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm; nối lại chiêm bao đứt quãng.

– Từ ngữ so sánh: như; đặc điểm so sánh: vui

– Tác dụng của phép so sánh: cụ thể hóa và nhấn mạnh niềm vui của tác giả khi được nhìn ngắm dòng sông Đà.

b) Bao nhiêu A bấy nhiêu B

Ví dụ:

Mình đi mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu.

(Việt Bắc – Tố Hữu)

– A: nước; B: nghĩa tình

– Từ ngữ so sánh: bao nhiêu… bấy nhiêu…

– Đặc điểm so sánh: nghĩa tình

– Tác dụng: khẳng định tình cảm sâu nặng, dạt dào giữa những cán bộ cách mạng miền xuôi với đồng bào Việt Bắc.

c) So sánh hơn kém (thua, kém, chẳng bằng, chưa bằng,…)

Ví dụ:

Những ngôi sao thức ngoài kia

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.

(Mẹ – Trần Quốc Minh)

– A: những ngôi sao; B: mẹ

– Từ ngữ so sánh: chẳng bằng

– Đặc điểm so sánh: thức

– Tác dụng: nhấn mạnh nỗi vất vả cũng như sự hi sinh và tình yêu thương con của mẹ.

2. Biện pháp tu từ nhân hóa

2.1. Khái niệm

Nhân hóa là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động, tính cách, suy nghĩ, tên gọi,… vốn chỉ dành cho người để miêu tả đồ vật, sự vật, con vật, cây cối khiến cho chúng trở nên sinh động, gần gũi, có hồn hơn.

2.2. Các cách nhân hóa

a) Dùng những từ vốn gọi người để gọi sự vật

Ví dụ:

Bác Giun đào đất suốt ngày

Trua nay chết dưới bóng cây sau nhà.

(Đám ma bác Giun – Trần Đăng Khoa)

b) Trò chuyện với vật như với người

Ví dụ:

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

(Ca dao)

c) Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động tính chất của vật

Ví dụ:

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được.

(Sóng – Xuân Quỳnh)

3. Biện pháp tu từ ẩn dụ

3.1. Khái niệm

Ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác mà giữa chúng có nét tương đồng (giống nhau) nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

3.2. Cấu tạo

A (xuất hiện trong câu)  à (giống nhau) B (ẩn đi, người đọc tự suy ra)

3.3. Các kiểu ẩn dụ

a) Ẩn dụ hình thức – giống nhau về hình thức

Ví dụ:

Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Tác giả viết “lửa lựu” bởi hoa lựu đỏ như lửa. Cách viết làm cho câu thơ đẹp hơn, giàu hình ảnh hơn, khiến người đọc hình dung hoa lựu như ánh lửa đỏ bập bùng.

b) Ẩn dụ cách thức – giống nhau về cách thức

Ví dụ:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

(Tục ngữ)

“Ăn quả” chỉ sự hưởng thụ, “trồng cây” chỉ sự lao động tạo nên thành quả. Hình ảnh ẩn dụ mang tới cho chúng ta một bài học ý nghĩa: khi được hưởng những điều tốt đẹp, hãy nhớ tới công lao của người đã làm ra những điều đó. Đồng thời, cách nói ẩn dụ còn khiến câu tục ngữ trở nên có hình ảnh, cụ thể, sinh động và dễ hiểu.

c) Ẩn dụ phẩm chất – giống nhau về phẩm chất

Ví dụ:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

(Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

“Mặt trời” trong câu thơ thứ hai là một hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo. Viễn Phương đã ngầm so sánh Bác Hồ với “mặt trời” của tự nhiên bởi Bác đã có công lao hồi sinh cho dân tộc Việt Nam, cũng giống như mặt trời thực đã mang lại nguồn số rất cho vạn vật, muôn loài. Bác cũng vĩ đại và bất tử như mặt trời trên cao. Phép ẩn dụ đã làm rõ công lao to lớn, sự vĩ đại bất tử của Bác. Qua đó, nhà thơ đã khéo léo bộc lộ tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ, biết ơn đối với Bác. Đồng thời, nhờ đó, câu thơ cũng thêm phần cô đọng, hàm súc.

d) Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác – chuyển từ cảm giác này sang cảm giác khác, cảm nhận bằng giác quan khác

Ví dụ:

Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò…

(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)

Rét mướt là cái người ta chỉ cảm nhận được bằng xúc giác nhưng Xuân Diệu có cách nói thật đặc biệt: “nghe rét mướt luồn trong gió”, khiến cơn gió như có hình hài, có hoạt động tạo ra âm thanh để người đọc cảm nhận rõ nét hơn bước đi của thời gian. Qua đó, ta cũng thấy được sự nhạy cảm, tinh tế của nhà thơ trong việc cảm nhận thế giới xung quanh.

3.4. Lưu ý

Cần phân biệt ẩn dụ tu từ và ẩn dụ từ vựng.

Ẩn dụ tu từ: có tính lâm thời, tính cá thể, tức là sáng tạo riêng của mỗi người và phải đặt trong từng văn cảnh cụ thể để khám phá ý nghĩa của nó. Ẩn dụ tu từ không được ghi nhận trong từ điển.

Ví dụ: “Mặt trời” trong câu thơ “Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ” của Viễn Phương chỉ Bác Hồ, còn trong thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng” chỉ em Cu Tai.

Ẩn dụ từ vựng: là cách nói quen thuộc, phổ biến, cách nói chung của xã hội, không có hoặc ít có giá trị tu từ. Ẩn dụ từ vựng được đưa vào từ điển.

Ví dụ: cổ chai, mũi đất, tay ghế, tay bí, tay bầu,…

4. Biện pháp tu từ hoán dụ

4.1. Khái niệm

Hoán dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

4.2. Cấu tạo

A (xuất hiện trong câu) à (có quan hệ gần gũi) B (ẩn đi, người đọc tự suy ra)

4.3. Các kiểu hoán dụ

a) Lấy bộ phận để chỉ toàn thể

Ví dụ:

Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

(Bài ca vỡ đất – Hoàng Trung Thông)

“Bàn tay” chỉ con người, con người có ý chí, sức lao động và sự chăm chỉ.

b) Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng

Ví dụ:

Vì sao Trái Đất nặng ân tình,

Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh?

(Theo chân Bác – Tố Hữu)

“Trái Đất” chỉ tất cả mọi người trên giới.

c) Lấy dấu hiệu sự vật để gọi sự vật

Ví dụ:

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.

(Việt Bắc – Tố Hữu)

“Áo chàm” là trang phục đặc trưng của đồng bào Việt Bắc, chỉ những người dân Việt Bắc.

d) Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

(Ca dao)

“Một cây” chỉ cá nhân đơn lẻ.

“Ba cây” chỉ của tập thể.

5. Phép điệp

5.1. Khái niệm

Điệp từ là biện pháp tu từ nhắc đi nhắc lại nhiều lần một từ, một cụm từ hay một cấu trúc câu để làm tăng hiệu quả diễn đạt: nhấn mạnh, tạo ấn tượng, gợi liên tưởng, cảm xúc… và tạo nhịp điệu cho câu/ đoạn văn bản.

5.2. Các cách điệp

a) Điệp cách quãng

Ví dụ:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu ?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

b) Điệp nối tiếp

Ví dụ:

Mai sau

Mai sau

Mai sau

Đất xanh, tre mãi xanh màu tre xanh…

(Tre Việt Nam – Nguyễn Du)

c) Điệp vòng

Ví dụ:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

(Cảnh khuya – Hồ Chí Minh)

6. Biện pháp tu từ chơi chữ

– Chơi chữ là biện pháp tu từ lợi dụng những đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước,…. làm câu văn hấp dẫn và thú vị.

Bà già đi chợ Cầu Đông

Xem một que bói lấy chồng lợi chăng

Thầy bói gieo quẻ nói rằng

Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn.

(Ca dao)

Trong bài ca dao trên, “lợi” ở dòng thứ hai có nghĩa là tốt đẹp, “lợi” ở dòng cuối chỉ phần thịt bao giữ xung quanh chân răng. Bằng cách dùng các từ đồng âm, tác giả dân gian đã khiến người đọc bật lên tiếng cười vui vẻ.

Các lối chơi chữ thường gặp:

  • Dùng từ ngữ đồng âm
  • Dùng lối nói trại âm (gần âm)
  • Dùng cách điệp âm
  • Dùng lối nói lái
  • Dùng từ ngữ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa

– Chơi chữ được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, thường trong văn thơ, đặc biệt là trong văn thơ trào phúng, trong câu đối, câu đố,…

7. Biện pháp tu từ liệt kê

Liệt kê là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả đầy đủ, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay tư tưởng, tình cảm.

Ví dụ: Hằng ngày, việc ăn uống của Người cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kì, như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa.

(Phong cách Hồ Chí Minh – Lê Anh Trà)

Phép liệt kê “cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa” đã làm sáng tỏ sự giản dị của Bác Hồ trong việc ăn uống.

8. Nói quá

Nói quá là phép tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.

Ví dụ:

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay.

(Việt Bắc – Tổ Hữu)

Phép nói quá “bước chân nát đá” nhằm diễn tả sức mạnh là khí thế hào hùng của đoàn dân công khi ra trận.

9. Nói giảm, nói tránh

Nói giảm nói tránh là biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt ý nhị, uyển chuyển, nhằm tránh gây cảm giác quá đau đớn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.

Ví dụ:

Bác thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

(Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến)

Từ “thôi” thứ hai nghĩa là chết nhưng cách nói này có tác dụng làm giảm cảm giác đau đớn, mất mát.

10. Đảo ngữ

Đảo ngữ là biện pháp tu từ thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp thông thường của câu, nhằm nhấn mạnh ý, nhấn mạnh đặc điểm của đối tượng và làm câu thơ, câu văn thêm sinh động, gợi cảm, hài hòa về âm thanh,…

Ví dụ:

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy giòng.

(Tràng giang – Huy Cận)

Cách nói thông thường là “một cành củi khổ” nhưng nhà thơ đảo lại thành “củi một cành khổ” nhằm làm tăng ẩn tượng về sự hiện diện nhỏ bé, đơn độc của cành củi khô giữa dòng nước mênh mông, rộng lớn.

11. Câu hỏi tu từ

Câu hỏi tu từ là biện pháp tu từ đặt câu hỏi nhưng không đòi hỏi câu trả lời mà nhằm nhấn mạnh một ý nghĩa khác (khẳng định, phủ định, bộc lộ cảm xúc,…).

Ví dụ:

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ

Ai bảo chăn trâu là khổ?

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.

(Quê hương – Giang Nam)

Câu hỏi trên mang tính phủ định, để nhấn mạnh một kỉ niệm đẹp của tuổi thơ.

Kiến thức về các biện pháp tu từ và tác dụng của chúng được trình bày rất chi tiết trong cuốn Sổ tay Ngữ văn cấp 3 All in one. Các bạn học sinh hãy mua ngay cuốn sách này để ôn tập và luyện thi môn Ngữ văn nhé!

Ngoài cuốn Ngữ văn ở trên, bộ sách All in one cấp 3 còn có các cuốn Toán họcVật líHóa họcTiếng Anh. Các bạn hãy inbox ngay cho Mcbooks để được tư vấn về bộ sách mà nhận nhiều mã giảm giá cực ưu đãi.

Tkbooks tự hào là nhà xuất bản sách tham khảo cho học sinh hàng đầu tại Việt Nam.

Tkbooks.vn

Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *