Các phương châm hội thoại lớp 9 kèm ví dụ cụ thể cực dễ hiểu

Các phương châm hội thoại lớp 9 kèm ví dụ cực chi tiết và dễ hiểu

Các phương châm hội thoại lớp 9 là một nội dung quan trọng giúp các bạn nâng cao khả năng giao tiếp và biểu đạt ý tưởng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng hiểu và áp dụng đúng các phương châm hội thoại này.

Bài viết này sẽ giúp các bạn làm quen với các phương châm hội thoại thông qua những ví dụ cụ thể và dễ hiểu nhất, giúp các bạn nắm vững kiến thức và tự tin hơn trong giao tiếp hàng ngày.

Hãy cùng Tkbooks khám phá nhé!

I. Các phương châm hội thoại

1. Phương châm về lượng

– Khi giao tiếp, cần nói cho có nội dung. Nội dung của lời nói phải đáp ứng đúng, đủ yêu cầu của cuộc giao tiếp, không thừa, không thiếu.

Ví dụ:

– Quê anh ở đâu thế? – Họa sĩ nói

– Quê cháu ở Lào Cai này thôi.

(Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long) Câu trả lời đã đáp ứng được đầy đủ những thông tin của người hỏi. Bởi vậy, người hỏi và người trả lời đã tuân thủ nguyên tắc của phương châm về lượng.

2. Phương châm về chất

Khi giao tiếp, đừng nói những điều mà mình không tin là đúng hay chưa có bằng chứng xác thực.

Ví dụ:

Tôi đã từng thấy những quả bí to hơn nhiều. Có một lần, tôi tận mắt trông thấy một quả bí to bằng cả cái nhà đằng kia kìa.

Thông tin mà người nói đã đưa ra không đúng sự thật, không có căn cứ chính xác. Bởi vậy, người nói đã không tuân thủ nguyên tắc của phương châm về chất.

3. Phương châm quan hệ

Khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề.

Ví dụ:

– Chúng ta vừa qua Sa Pa, bác không nhận ra ư? – Người lái xe bỗng nhiên lại hỏi.

Có. Tôi có nhận ra. Sa Pa bắt đầu với những rặng đào. Và với những đàn bò lang cổ đeo chuông ở các đồng cỏ trong lũng hai bên đường. Chỗ ấy là Tả Phình phải không bác? – Nhà họa sĩ trả lời.”

(Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long)

Người hỏi và người trả lời đều xoay quanh một đề tài. Bởi vậy, người hỏi và người trả lời đã tuân thủ nguyên tắc của phương châm quan hệ.

4. Phương châm cách thức

– Khi giao tiếp, cần chú ý nói ngắn gọn, rành mạch, tránh cách nói mơ hồ, tối nghĩa.

Ví dụ:

– Tôi sắp giới thiệu với các bác một trong những người cô độc nhất thế gian. Thế nào bác cũng thích vẽ hắn.

(Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long) Người nói nửa úp, nửa mở, đầy mơ hồ để kích thích sự tò mò của người nghe. Do đó, người nói đang chưa tuân thủ nguyên tắc của phương châm cách thức.

5. Phương châm lịch sự

– Khi giao tiếp, cần lịch sự, tế nhị và tôn trọng đối tượng giao tiếp.

Ví dụ:

…Nghe mẹ nó bảo gọi ba vào ăn cơm thì nó lại bảo:

– Thì mà kêu đi.

Mẹ nó đâm nổi giận quơ đũa bếp dọa đánh, nó phải gọi nhưng lại nói trổng:

– Vô ăn cơm!

Anh Sáu vẫn ngồi im, giả vờ không nghe, chờ nó gọi “Ba vô ăn cơm”. Con bé cứ đứng trong bếp nói vọng ra:

Cơm chín rồi!

(Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng)

Chưa cần xét đến mối quan hệ giữa hai nhân vật giao tiếp, mà chỉ cần xét về mặt cử chỉ, điệu bộ, lời nói của nhân vật bé Thu trong cuộc hội thoại với ông Sáu, rõ ràng câu nói không có chủ ngữ – vị và thái độ thể hiện sự thiếu tôn trọng. Bởi vậy, bé Thu đã vi phạm nguyên tắc của phương châm lịch sự.

II. Quan hệ giữa phương châm hội thoại với tình huống giao tiếp

– Việc vận dụng các phương châm hội thoại cần phù hợp với đặc điểm của tình huống giao tiếp. Bởi vậy, khi giao tiếp cần phải xác định được một cách rõ ràng: Nói với ai? Nói khi nào? Nói ở đâu? Nói làm gì?

III. Những trường hợp không tuân thủ phương châm hội thoại

– Người nói vô ý, vụng về, thiếu văn hóa giao tiếp.

Ví dụ:

Nó nhìn dáo dác một lúc rồi kêu lên:

– Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái! – Nó cũng lại nói trổng.

Tôi lên tiếng mở đường cho nó:

– Cháu phải gọi “Ba chắt nước giùm con”, phải nói như vậy.

Nó như không để ý đến câu nói của tôi, nó lại kêu lên:

Cơm sôi rồi, nhão bây giờ!

(Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng)

Nhân vật trong đoạn trích đã vi phạm nguyên tắc của phương châm lịch sự. Nhân vật giao tiếp với người lớn tuổi nhưng dùng câu nói không có chủ ngữ, không có các từ ngữ thể hiện sự kính trọng như lời thưa gửi, từ “ạ” ở cuối câu.

– Người nói phải ưu tiên cho một phương châm hội thoại hoặc một yêu cầu khác quan trọng hơn.

Ví dụ:

Chưa đến bực cửa, ông lão đã bô bô:

Bác Thứ đâu rồi? Bác Thứ làm gì đấy? Tây nó đốt nhà tôi rồi bác nhẵn! Ông Chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính, ông ấy cho biết… cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng tôi đi theo Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả.

Bác Thứ chưa nghe thủng câu chuyện ra sao, ông lão đã lại lật đật bỏ lên nhà trên.

– Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ạ. Đốt nhẵn. Ông Chủ tịch làng em vừa lên cải chính… cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng em Việt gian ấy mà. Ra láo! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích cả!

Cũng chỉ được bằng ấy câu, ông lão lại lật đật bỏ di nơi khác. Còn phải để cho người khác biết chứ. Ông lão cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người. Ai ai cũng mừng cho ông lão.

(Làng – Kim Lân)

Nhân vật ông Hai đã vi phạm nguyên tắc của phương châm về lượng và phương châm lịch sự, chủ đích là diễn tả tâm trạng phấn khởi của ông Hai khi nghe tin làng được cải chính.

– Người nói muốn gây một sự chú ý, để người nghe hiểu câu nói theo một hàm ý nào đó.

Ví dụ:

Ông Hai nằm rũ ra ở trên giường không nói gì.

– Thầy nó ngủ rồi à?

– Gì?

Ông lão khẽ nhúc nhích.

– Tôi thấy người ta đồn…

Ông lão gắt lên:

Biết rồi!

(Làng – Kim Lân)

Nhân vật ông Hai đã vi phạm nguyên tắc của phương châm lịch sử. Vẻ gay gắt đó cho thấy tâm trạng hoang mang, nơm nớp lo sợ, không dám nhìn thẳng vào thực tế phũ phàng đang làm ông đau đớn. Đồng thời, như muốn nhắc nhở vợ đừng chạm đến hay khoét sâu thêm nỗi đau đó.

Hy vọng rằng qua bài viết này, các bạn học sinh lớp 9 đã có thể hiểu rõ hơn về các phương châm hội thoại và cách áp dụng chúng vào việc viết văn cũng như đạt điểm cao hơn trong các bài thi, bài kiểm tra môn Ngữ Văn sắp tới.

Kiến thức về các phương châm hội thoại lớp 9 kèm ví dụ cụ thể cực dễ hiểu trong cuốn Làm chủ kiến thức Ngữ văn 9 luyện thi vào 10 – Phần 2: Tiếng Việt – Tập làm văn. Các em hãy mua ngay cuốn sách để củng cố thêm kiến thức cho mình nhé!

Link đọc thử sách: https://drive.google.com/file/d/1PKMXshjKHhJER-EIKngOhGX8TTLGfawb/view

Hãy tiếp tục theo dõi TKbooks.vn để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích và thú vị khác nhé!

Tkbooks tự hào là nhà xuất bản sách tham khảo cho học sinh lớp 9 hàng đầu tại Việt Nam!

Tkbooks.vn

Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *