15 đề văn đọc hiểu văn bản ôn thi THPT Quốc Gia (phần 1)

15 CÂU HỎI ĐỌC HIỂU MINH HỌA

VĂN BẢN 1

Ta là con của phù sa
Cha là đất nước. Mẹ là quê hương
Còn nghe máu thấm biên cương
Mây buồn Lũng Cú. Đêm trường Nam Quan
Ta là con của Việt Nam
Theo cha xuống biển tự ngàn năm xưa
Lên rừng thờ mẹ Âu Cơ
Đem xương máu dựng cõi bờ hôm nay

(Tổ quốc nơi biên thùy, Nguyễn Việt Chiến)

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích trên.
Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn thơ.
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ: “Còn nghe máu thấm biên cương – Mây buồn Lũng Cú. Đêm trường Nam Quan”.
Câu 4. Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng tự tôn dân tộc
của mỗi công dân.

VĂN BẢN 2

Có đến năm, sáu năm nay, Tâm không về thăm quê nhà. Trong thời gian ấy, ở Hà Nội, Tâm gắng sức làm việc để giành một cái địa vị trong xã hội. Chàng lấy vợ,
con một nhà giàu có, cũng không cho mẹ biết.

[…] Không còn một cái liên lạc gì ràng buộc Tâm với thôn quê nữa. Những người họ hàng ở làng chỉ làm chàng sinh ghét, vì những sự đi lại nhờ vả lôi thôi. Còn đối với mẹ chàng, Tâm tin rằng đã làm đủ bổn phận khi mỗi tháng gửi về giúp bà cụ một số tiền, chàng lại càng tin như vậy lắm, khi nghĩ đến những cái khó khăn chàng phải vượt qua để có số tiền ấy. Bao nhiêu sự dối trá chàng phải cần đến để giấu không cho vợ biết! Có khi chàng nghĩ giận bà mẹ, vì bà mà chàng phải giấu diếm như thế.

Tuy vậy, khi đến gần đầu làng, Tâm trong lòng cũng thấy cảm động. Hai bên cánh đồng lúa xanh gió đưa như nổi sóng. Trên đường rải đá, mặt đất khô rắn lại và nứt nẻ nhiều chỗ. Tâm nhớ lại cái đất ấy đã làm đau đớn bàn chân non nớt của chàng khi còn nhỏ ngày ngày cắp sách đi học.

Một cái cảm giác mát lạnh bỗng trùm lên hai vai: Tâm ngửng đầu lên nhìn, chàng vừa đi vừa bước vào dưới vòm lá tre xanh trong ngõ. Mấy đứa trẻ nhà quê trần truồng và đen sạm đương chơi khăng ở vệ đường. Khi thấy chàng đi qua, chúng đưa những cặp mắt bẩn thỉu nhấp nháy nhìn, và chùi tay rây bùn vào bắp chân. Nghĩ đến thuở nhỏ, chàng cũng chỉ là một đứa bẩn thỉu như những đứa trẻ này, Tâm tự phụ vì mình bây giờ đã vượt hẳn được cái bực nghèo hèn ấy.

(Trở về, Thạch Lam)

Câu 1. Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?
Câu 2. Nhân vật chính trong đoạn trích trên là ai? Anh (chị) có cảm nhận như thế nào về nhân vật đó?
Câu 3. Phân tích ngữ pháp câu văn “Tâm nhớ lại cái đất ấy đã làm đau đớn bàn chân non nớt của chàng khi còn nhỏ ngày ngày cắp sách đi học.”
Câu 4. Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về cách con người ứng xử với nguồn cội, gốc gác của mình.

15-de-van-doc-hieu-van-van-on-thi-thpt-quoc-gia

VĂN BẢN 3

22 triệu người Việt Nam sẽ bị mất nhà cửa do tác động của biến đổi khí hậu. Đây là khẳng định của các nhà nghiên cứu đưa ra trong Báo cáo Phát triển con người năm 2008 do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Bộ Tài nguyên – Môi trường công bố.

Theo ông O’Callaghan, biến đổi khí hậu sẽ gây ra những thiệt hại lớn cả về tài sản và môi trường ở Việt Nam. Nước biển dâng sẽ khiến 22 triệu người Việt Nam
mất nhà cửa với thiệt hại lên tới 10% GDP.

Báo cáo cũng cho thấy, biến đổi khí hậu gây đe dọa với Việt Nam ở nhiều cấp. Lượng mưa dự kiến sẽ gia tăng và Việt Nam sẽ đối mặt với những trận bão nhiệt đới mạnh hơn. Mực nước biển dự kiến sẽ dâng cao 33 cm vào năm 2050 và 1 m vào năm 2100. Hiện tượng ngập lụt sẽ xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng và ven biển miền Trung. Nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,1oC/thập kỷ. Trong một số tháng mùa hè, nhiệt độ tăng khoảng 0,1 – 0,3oC/thập kỷ.

Ngoài ra, theo tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, trong vòng 30 năm tới, Việt Nam là một trong 30 quốc gia “có nguy cơ cực lớn” do các tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, có tới 33/63 tỉnh, thành phố hoặc 5/8 vùng kinh tế đang bị đe dọa bởi ngập lụt nghiêm trọng. Trong số đó, bốn tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang và Sóc Trăng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Dự báo đến đến năm 2050, khả năng tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể có tới 1 triệu người phải di dời do những yếu tố lũ lụt và hạn hán lặp đi lặp lại nhiều lần. (Dẫn theo http://www.danang.gov.vn/)

Câu 1. Nội dung chính của văn bản trên là gì?
Câu 2. Theo văn bản, biến đổi khí hậu đã và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng nào cho Việt Nam.
Câu 3. Theo anh (chị), biến đổi khí hậu ở Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp đến những đối tượng nào?
Câu 4. Đưa ra một số giải pháp mà anh (chị) cho là có thể làm hạn chế sự tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống con người, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long.

VĂN BẢN 4

Gửi các bậc phụ huynh kính mến!

Khi kỳ thi của các con đang tới gần, chúng tôi biết rằng, các vị đang mong ngóng con mình sẽ có được kết quả tốt nhất!
Tuy nhiên, xin quý vị hãy nhớ rằng, trong số các con – những người có mặt tại kỳ thi này, sẽ có người trở thành một nghệ sỹ. Và một nghệ sỹ thì không cần hiểu
sâu về môn Toán học.

Có người sẽ trở thành doanh nhân – và công việc này không cần phải quá giỏi về Lịch sử hay Văn học Anh.

Có người sẽ trở thành một nhạc sỹ và với họ, Hóa học sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Có người sẽ trở thành vận động viên – công việc này đòi hỏi có sức khỏe, thể chất tốt, chứ không cần quá giỏi về bộ môn Vật lý, giống như Schooling của chúng ta (là vận động viên bơi lội của đội tuyển Singapore vừa đoạt Huy chương vàng tại Olympic Rio 2016).

Nếu con của bạn đạt điểm cao, đó là một điều thật tuyệt vời! Nhưng nếu con không thể hoàn thành tốt kỳ thi của mình thì xin quý vị đừng làm mất đi sự tự tin
và nhân phẩm của con!

Hãy nhẹ nhàng nói với con bạn rằng: Ổn thôi mà, đó chỉ là một kỳ thi. Và con được sinh ra trong cuộc đời này cho nhiều thứ lớn lao hơn nó.

Hãy chia sẻ với con bạn, dù điểm số của con bao nhiêu, bố mẹ vẫn yêu thương con và không phán xét bất cứ điều gì về con!

Xin các bậc phụ huynh hãy làm như vậy! Và nếu các vị làm được, hãy chờ đợi con mình chinh phục thế giới như thế nào nhé! Một kỳ thi hay điểm số kém sẽ không thể gạt bỏ được những ước mơ và tài năng bên trong con người các con!

Và cuối cùng, tôi xin quý vị đừng bao giờ nghĩ rằng, chỉ có kỹ sư hay bác sỹ mới là những người hạnh phúc duy nhất trên thế giới này!

Trân trọng

Hiệu trưởng

(Trích bức thư của hiệu trưởng Singapore gửi phụ huynh – Dẫn theo http://danviet.vn/)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?
Câu 2. Nội dung chính của văn bản trên là gì?
Câu 3. Theo quan điểm của người viết, vì sao các bậc cha mẹ không nên tạo áp lực điểm số cho con mình?
Câu 4. Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói: “Và cuối cùng, tôi xin quý vị đừng bao giờ nghĩ rằng, chỉ có kỹ sư hay bác sỹ mới là những người hạnh phúc duy nhất trên thế giới này!”.

VĂN BẢN 5

Điều 51. Quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo
1. Cá nhân có quyền tự do nghiên cứu khoa học – kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khác.

2. Quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Không ai được cản trở, hạn chế quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo của cá nhân. (Theo Bộ luật Dân sự của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, NXB Lao động – xã hội, 2012)

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2. Qua văn bản trên, anh/ chị hiểu thế nào là “quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo”?
Câu 3. Hãy kể ra một tình huống liên quan đến việc xâm phạm quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo mà anh/ chị biết và nêu lên tác hại của sự xâm phạm ấy?
Câu 4. Theo anh (chị), để tránh việc bị xâm phạm quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo, mỗi công dân nên làm gì? Nêu ít nhất hai việc nên làm.

VĂN BẢN 6

Nhớ
Lời một chiến sỹ lái xe
Cái vết thương xoàng mà đi viện
Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.

(Phạm Tiến Duật, 1969)

Câu 1. Đoạn thơ trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?
Câu 2. Chỉ ra các biện pháp tu từ trong đoạn thơ.
Câu 3. Nhận xét về giọng điệu của đoạn thơ.
Câu 4. Viết đoạn văn 5 – 7 dòng trình bày cảm nhận của anh (chị) về tâm sự của người lính lái xe trong bài thơ trên.

VĂN BẢN 7

F. Duncan Haldane, giáo sư trường Đại học Princeton, Mỹ nhận tin giành giải thưởng Nobel Vật lý 2016 cùng hai nhà khoa học khác vào lúc 4 rưỡi sáng ngày 4/10 tại nhà riêng. Ngay sau đó, ông vẫn tiếp tục công việc mỗi sáng thứ ba của mình, đó là giảng dạy tại lớp nghiên cứu sinh của Đại học Princeton. Khi giáo sư Haldane bước vào giảng đường Jadwin, nơi ông có bài giảng về điện từ, các sinh viên trong lớp đã vỗ tay và reo hò chúc mừng ông.

“Tất nhiên rồi, đó là nghĩa vụ và cũng là niềm tự hào của tôi khi tiếp tục công việc của mình”, Haldane chia sẻ. Ông cho biết dù là ngày quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình thì ông vẫn phải có trách nhiệm với sinh viên. “Bất cứ ai trong số họ cũng có thể là người tìm ra những điều mới mẻ, vĩ đại và giành giải Nobel sau này”, Haldane nói. Giáo sư Haldane sinh ra ở thành phố London, Anh. Ông nhận bằng tiến sỹ tại trường Đại học Cambridge và bắt đầu làm việc tại trường Đại học Princeton từ năm 1990. Ông nhận giải thưởng Nobel Vật lý 2016 cùng với hai nhà khoa học khác, David Thouless đến từ Đại học Washington và J.Michael Kosterlitz, trường Đại học Brown, cho những nghiên cứu về “vật chất lạ” của họ. David Thouless giành một nửa giải thưởng, trong khi Ducan Haldane và Michael Kossterlitz chia nhau nửa giải thưởng còn lại, mỗi người nhận được khoảng 232.500 USD.

“Tôi sẽ phải trả rất nhiều cho Sở Thuế vụ Mỹ”, Haldane hài hước trả lời khi được hỏi về dự định sử dụng phần thưởng của mình.

(Dẫn theo http://khoahoc.tv/)

Câu 1. Văn bản trên sử dụng phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2. Đặt tiêu đề cho văn bản.
Câu 3. Qua vănbản, anh(chị) có nhậnxét gì về conngười củaF.DuncanHaldane.
Câu 4. Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói: “Tất nhiên rồi, đó là nghĩa vụ và cũng là niềm tự hào của tôi khi tiếp tục công việc của mình” của
F. Duncan Haldane khi ông nhận giải Nobel cao quý.

VĂN BẢN 8

Bàn về chuyện tự học Trước hết, cần phải nói rằng, tự học là một chuyện vạn bất đắc dĩ, vì ai cũng biết câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”. Ai mà chẳng học của người khác! Làm gì có ai không nhờ người khác mà biết được phần lớn những gì mình biết? Trước tiên, người ta học mẹ mình, rồi đến bố mình, rồi đến những người sống quanh. Và nếu không nhớ điều đó mà nói rằng tự mình tìm biết lấy mọi sự thì đúng là cực kỳ ngu dại, hợm hĩnh và vô ân.

Cho nên, phải hiểu hai chữ “tự học” theo một nghĩa hẹp hơn rất nhiều, kể cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Và nếu có ai không được một người thầy trực tiếp dạy bảo cho một cái gì đấy, thì cũng có những người thầy gián tiếp dạy mình bằng tấm gương của cách sống và cách hành động của họ. Tấm gương ấy có thể tích cực hay tiêu cực: những hành vi xấu xa hay đáng ghét mà ta chứng kiến và thể nghiệm từ người khác cũng bổ ích cho ta không kém gì những hành vi tốt đẹp, nếu ta nhờ cái “tính bản thiện” vốn có của con người mà biết ghét cái xấu và yêu cái tốt.

Trên con đường học vấn của người tự học nhan nhản những cạm bẫy cực kỳ nguy hiểm khiến cho tri thức của họ có nguy cơ lệch lạc hoặc chứa những lỗ hổng rất lớn mà bản thân họ không hay biết.

Với người tự học, khả năng vẫn nhầm lẫn lớn hơn rất nhiều so với người được đào tạo chính quy. Vì sự phản biện trong cảnh cô đơn là việc cực kỳ khó khăn.

Người có học vấn thực sự, nhờ đã trải qua những bước đường gian nan, cực nhọc để có được những tri thức mà trước kia mình tưởng rất dễ, biết rằng những điều mình học được chỉ như hạt muối bỏ bể so với những điều mình chưa học. Và bao giờ cũng phải có học một cái gì đã, rồi mới bắt đầu biết là mình không biết cái gì. Cho nên người có học không bao giờ nghĩ rằng có những ngành nghề mà mình không cần giờ học nào cũng có thể bàn đến được, càng không bao giờ nghĩ rằng mình đủ sức viết hàng ngàn trang sách về những môn ấy để dạy mọi người. […] (Dẫn theo https://hocthenao.vn – Cao Xuân Hạo)

Câu 1. Văn bản trên sử dụng thao tác lập luận chính nào?
Câu 2. Theo tác giả bài viết, tự học là gì?
Câu 3. Người tự học có thể gặp những khó khăn gì trên con đường tìm kiếm tri thức?
Câu 4. Viết đoạn văn ngắn 5 – 7 dòng trình bày suy nghĩ của anh (chị) về giá trị của tự học.

VĂN BẢN 9

Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ
Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta
Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ
Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học
Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh
Sẽ không lần nào làm mẹ xót xa.
[…] Dẫu cuộc đời là con đường dài thế
Con sẽ đi qua mọi đèo dốc chông gai
Bằng đôi chân của mẹ, mẹ ơi.

(Gửi mẹ, Lưu Quang Vũ)

Câu 1. Đoạn thơ trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?
Câu 2. Nêu chủ đề của đoạn thơ.
Câu 3. Trình bày tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu sau: “Dẫu cuộc đời là con đường dài thế – Con sẽ đi qua mọi đèo dốc chông gai – Bằng đôi chân của mẹ, mẹ ơi.”
Câu 4. Từ ý thơ trên, viết đoạn văn nêu cảm nhận của anh (chị) về tấm lòng của con cái với cha mẹ.

VĂN BẢN 10

Người ta thường nói: “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”. Kể từ khi tạo hóa làm ra con người thì tất cả sinh ra đều bình đẳng, mọi người đều có tư cách, có địa vị như nhau, không phân biệt đẳng cấp trên dưới, giàu nghèo. Vậy mà nhìn rộng ra khắp xã hội, cuộc sống con người luôn có những khoảng cách một trời một vực. […]

Như thế là tại làm sao? Nguyên nhân thực ra rất rõ ràng.[…] Trên thế gian có cả việc khó lẫn việc dễ. Người làm việc khó được coi là người quan trọng. Người làm việc dễ thường có địa vị thấp, bị coi thường. Công việc cần sự khổ nhọc về tinh thần được xem là việc khó, còn lao động chân tay là việc dễ. Vì thế, học giả, quan chức chính phủ, giám đốc các công ty lớn, chủ trang trại sử dụng nhiều nhân công… là những người có địa vị cao, quan trọng. Một khi đã là những người có địa vị, quan trọng thì đương nhiên gia đình họ cũng giàu sang sung túc đến mức tầng lớp hạ đẳng nằm mơ cũng không được. Tuy vậy, nếu suy nghĩ kỹ lưỡng gốc rễ của vấn đề thì chỉ có một nguyên nhân. Đó chẳng qua là do có chịu khó học hay không mà thôi, chứ có người nào được Trời phú cho đâu.

Như tôi đã đề cập: ở con người vốn dĩ không có chênh lệch sang hèn, giàu nghèo. Vì thế, có thể nói rằng: người chịu khó học, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung túc; người vô học sẽ trở thành con người thấp kém, nghèo khổ. (Khuyến học, Fukuzawa Yukichi)

Câu 1. Văn bản trên sử dụng kiểu lập luận nào?
Câu 2. Theo tác giả, nguyên nhân nào dẫn đến sự phân biệt giữa con người với con người?
Câu 3. Ngạn ngữ có câu: “Trời không ban cho con người phú quý. Chính con người tạo ra giàu sang phú quý”. Tác giả đã lý giải vấn đề này như thế nào trong đoạn trích?
Câu 4. Viết đoạn văn 5 – 7 dòng trình bày suy nghĩ của anh (chị) về quan niệm “người chịu khó học, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung túc; người vô học sẽ trở thành con người thấp kém, nghèo khổ”.

VĂN BẢN 11

Chúng ta thường đặt mục tiêu cho một nghề nghiệp cụ thể vì ấn tượng với thành tích của những người xuất sắc nhất trong ngành nghề đó. Tham vọng của chúng ta có thể hình thành từ sự ngưỡng mộ dành cho người kiến trúc sư đã dựng nên một sân bay mới tuyệt đẹp cho thành phố, hay từ việc theo dõi những cuộc giao dịch liều lĩnh và bạo dạn của một nhà quản lý vốn giàu có nhất Wall Street, từ việc đọc những phân tích của một tiểu thuyết gia văn học nổi tiếng hay thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị tại nhà hàng do một đầu bếp từng đoạt giải mở. Chúng ta thường xây dựng những kế hoạch nghề nghiệp của mình dựa trên sự hoàn hảo.

Sau khi được những bậc thầy này truyền cảm hứng, chúng ta tự đi những bước đầu tiên và khó khăn bắt đầu từ đây. Những gì chúng ta cố gắng thường rơi vào dưới mức chuẩn so với những gì đã nhen nhóm lên tham vọng ban đầu.

Chúng ta bị mắc kẹt trong một nghịch lý khó chịu: trong khi những tham vọng của chúng ta được đốt lên bởi sự vĩ đại, ưu tú, thì tất cả những điều chúng ta nhận thức về bản thân lại chỉ ra thể hiện một sự kém cỏi từ bẩm sinh. Chúng ta đã rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa cầu toàn… Và càng ngày quan điểm của chúng ta trở nên bấp bênh vì chúng ta hiểu quá rõ những dằn vặt nội tâm, trong khi vẫn phải nhìn thấy những câu chuyện thành công trông có vẻ là không hề có chút khó khăn đớn đau nào đang nhan nhản xung quanh. Chúng ta tiếp tục không tha thứ cho bản thân mà chưa một lần nhìn thấy hết những “bản nháp thất bại” của những người chúng ta ngưỡng mộ. Chúng ta cần có một bức tranh đúng mực hơn về những khó khăn ẩn sau mọi điều chúng ta mong muốn vươn tới. Chúng ta cần công nhận vai trò chính đáng và thiết yếu của sự thất bại, và cho phép bản thân làm việc một cách không toàn vẹn trong một thời gian – điều này giống như cái giá phải trả để có một cơ hội làm điều mà một ngày nào đó, trong nhiều thập kỷ nữa, người khác nhìn vào sẽ cho rằng là thành công chớp nhoáng. (Dẫn theo http://tramdoc.vn/)

Câu 1. Văn bản trên sử dụng thao tác lập luận chính nào?
Câu 2. Trình bày nội dung chính của văn bản.
Câu 3. Anh (chị) hiểu như thế nào về cụm từ “bản nháp thất bại” được nhắc đến trong bài viết.
Câu 4. Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về “vai trò chính đáng và thiết yếu của sự thất bại”.

VĂN BẢN 12

Thư viện là sự tự do. Tự do đọc, tự do ý tưởng, tự do giao tiếp. Chúng cũng là nơi giáo dục (một quá trình không phải kết thúc vào ngày chúng ta rời trường phổ thông hay đại học), nơi giải trí, nơi an toàn, và nơi tiếp cận thông tin. Tôi nghĩ thư viện liên quan mật thiết với bản chất của thông tin. Thông tin có giá trị, và thông tin chuẩn xác còn có giá trị lớn hơn. Trong phần lớn lịch sử loài người, chúng ta đã sống trong thời kì khan hiếm thông tin, và có được thông tin mình cần là điều vô cùng quan trọng và đáng giá: khi nào nên gieo trồng, tìm đồ vật, bản đồ, lịch sử, câu truyện này ở đâu. Thông tin luôn là thứ có giá trị, và những ai có được nó có thể thu phí dịch vụ cung cấp. Trong vòng vài năm gần đây, chúng ta để chuyển từ nền kinh tế khan hiếm thông tin sang tình trạng lũ lụt thông tin. Theo Eric Schmidt của Google, mỗi 2 ngày con người lại tạo ra khối lượng thông tin bằng từ lúc bình minh của nền văn minh cho đến năm 2003. Với những người thích con số, đó là 5 tỷ GB một ngày. Vì vậy thách thức đặt ra là, chúng ta sẽ cần định hướng trong biển thông
tin đó để tìm ra thứ mình thực sự cần.

Thư viện là một nhà chứa thông tin và giúp mọi công dân có thể tiếp cận nó bình đẳng. Nó là một không gian cộng đồng. Một nơi an toàn, một chỗ trốn. Nó là nơi có các thủ thư. Tương lai của thư viện sẽ ra sao là việc chúng ta nên hình dung từ bây giờ.

Đọc ngày nay trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, trong thế giới của văn bản và e-mail, thế giới của thông tin dưới dạng viết. Chúng ta cần viết và đọc, cần những công dân toàn cầu có thể đọc tự tin, hiểu những gì chúng đọc, hiểu sự tinh tế, và diễn đạt ý tưởng thật tốt. Các thư viện thực sự là những cánh cổng tới tương lai đó. Vì vậy thật đau lòng khi khắp thế giới, ta thấy các chính quyền địa phương chụp lấy cơ hội để đóng cửa các thư viện như một cách tiết kiệm ngân sách, mà không nhận ra rằng họ, theo đúng nghĩa đen, đang ăn cắp vốn tương lai để chi trả cho hiện tại. Họ đang đóng lại những cánh cửa lẽ ra cần phải được mở.(Dẫn theo http://tramdoc.vn/)

Câu 1. Chỉ ra thao tác lập luận chính của văn bản trên.
Câu 2. Nêu ý chính của văn bản trên.
Câu 3. Theo tác giả, thư viện có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của cộng đồng, xã hội.
Câu 4. Viết đoạn văn 5 – 7 dòng trình bày quan điểm cá nhân của anh (chị) về cách bảo tồn văn hóa đọc.

VĂN BẢN 13

[…] Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Thương vườn ruộng khôn khuây
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta? (Đôi mắt người Sơn Tây, Quang Dũng)

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2. Nêu phương thức biểu đạt chính và nội dung chính của đoạn thơ.
Câu 3. Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn – Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng – Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc – Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”.
Câu 4. Viết đoạn văn 5 – 7 dòng trình bày cảm nhận của anh (chị) về bốn dòng thơ cuối.

VĂN BẢN 14

Tưởng nhớ XQ thân yêu
[…] Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai
Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống
Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu
Em trong anh là mùa xuân náo động
Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu.

(Bài thơ về hạnh phúc, Bùi Minh Quốc)

Câu 1. Trình bày chủ đề của đoạn thơ trên.
Câu 2. Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 3. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ: “Em trong anh là mùa xuân náo động – Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu.”
Câu 4. Viết đoạn văn 5 – 7 dòng trình bày cảm nhận của anh (chị) về những câu thơ:“Em đã ra đi với mắt cười thanh thản – Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai – Bởi biết mình có mặt ở tương lai.”

VĂN BẢN 15

Bạn có thể giành chiến thắng khi chơi cờ ca – rô hoặc tìm ra lời giải cho các vấn đề hóc búa nếu bạn định nghĩa chiến thắng một cách linh hoạt. Cho phép mình có một chỗ lệch trong hàng và bạn sẽ luôn giành chiến thắng. Đôi khi, điều kiện chúng ta đặt ra cho việc giành chiến thắng quá chặt chẽ hoặc không phù hợp. Khi Winston Churchill trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ ở tuổi 35, một số bạn bè của ông đã tự hỏi tại sao họ không mong đợi được giữ những vị trí quan trọng từ khi còn trẻ. Churchill chỉ cáu kỉnh: “Napoleon giành chiến thắng trận Austerlitz khi bằng tuổi tôi.” Churchill không thể giành chiến thắng khi đấu tranh với tham vọng của bản thân vì ông định nghĩa về chiến thắng quá cao. Thay đổi định nghĩa về thành công có thể mang lại lời giải đáp cho một vấn đề. (Dẫn theo Tư duy như Einstein)

Câu 1. Văn bản trên sử dụng thao tác lập luận nào?
Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản.
Câu 3. Anh (chị) hiểu thế nào là “chiến thắng một cách linh hoạt”?
Câu 4. Viết đoạn văn 5 – 7 dòng trình bày ngắn gọn suy nghĩ của anh (chị) về thành công.

 Xem tiếp Hướng dẫn giải 15 đề văn đọc hiểu văn bản ôn thi THPT Quốc Gia (phần 2) tại đây

Xem thêm:

TKBooks

Share

Một suy nghĩ về “15 đề văn đọc hiểu văn bản ôn thi THPT Quốc Gia (phần 1)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *